Sau gần 7 năm thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đến nay, theo thống kê, các tập đoàn kinh tế hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối doanh nghiệp nhà nước.
Tính đến cuối năm 2011, dư nợ vay ngân hàng của khối doanh nghiệp nhà nước này cũng không hề nhỏ, tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước.
Chỉ trong hai năm (2005 - 2007), liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế được thành lập. Đến năm 2009, ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ trong khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, về nguyên tắc, thí điểm thì có thể thành công hay thất bại, nên phạm vi thí điểm phải hẹp, sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công thì mới triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế.
Đánh giá về hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan cho rằng, do chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá chính xác hiệu quả của các tập đoàn nên hiệu quả hoạt động của các tập đoàn nhiều khi cũng không được xác định rõ ràng.
Bởi vậy, sau một thời gian thí điểm, việc đánh giá, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế là tất yếu. Thay vì duy trì con số 13 như hiện nay, trong thời gian tới Chính phủ sẽ cắt giảm số tập đoàn kinh tế xuống còn 5-7. Chính phủ sẽ chỉ giữ lại những tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh, có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế như năng lượng, dầu khí, viễn thông… Số còn lại chắc chắn sẽ xem xét cắt giảm dựa trên sự cần thiết và hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn.
Khai thác dầu khí
Nếu theo các tiêu chí trên thì các tập đoàn còn được giữ lại có thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Trong số 9 tập đoàn còn lại, tính cần thiết và vai trò của mỗi tập đoàn đối với nền kinh tế là tương đương nhau. Như vậy, tập đoàn nào sẽ “trụ hạng” chỉ còn căn cứ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực vốn và tài nguyên của các tập đoàn kinh tế...
Trong bản Báo cáo kinh tế vĩ mô có tên "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cấu trúc" do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố, tư duy "kinh tế nhà nước là chủ đạo" được các tác giả khuyến cáo là sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế và cần được thay đổi.
Trung Nguyễn