Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính

Nguyễn Văn Khôi| 28/11/2015 07:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã đăng bài: “UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” thua kiện Ngân hàng thương mại cổ phần Vũng Tàu: “Vì sao án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành?”.

Vấn đề án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành, đặc biệt án hành chính là nỗi trăn trở của những người làm công tác trong ngành pháp luật.

Một nguyên tắc tối thượng của pháp luật là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án phải được các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Tuy vậy, không phải cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào cũng tự nguyện thi hành án, nên bên cạnh những quy định về tự nguyện còn có những quy định về cưỡng chế nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.

Nghiên cứu Luật Tố tụng hành chính, về phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự (cụ thể, hiện nay là Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015). Tức là có sự cưỡng chế khi người thi hành án không tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, các phần khác trong bản án hành chính thì cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp chỉ có trách nhiệm đôn đốc việc thi hành án. Ví dụ như, hủy toàn bộ hay một phần quyết định hành chính, hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật hoặc tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật... Trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày mà người phải thi hành án không thi hành, cơ quan thi hành án dân sự cũng chỉ có quyền ra thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án; đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi và cơ quan này cũng chỉ có trách nhiệm giúp cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.

Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính

Bài đăng trên Báo Công lý số 94 (25/11/2015)

Nghiên cứu Điều 14 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì nhiệm vụ chính của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh là: Quản lý, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Với những quy định này thì vai trò của cơ quan thi hành án rất mờ nhạt, bởi vì luật không trao quyền cưỡng chế cho họ. Quyền cưỡng chế được giao cho UBND cùng cấp. Trong việc thi hành Bản án số 19/2015/HC-PT ngày 9/3/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bên bị kiện và là tổ chức bị thua kiện. Theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự hiện hành thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Có ai lại tự ra quyết định cưỡng chế mình khi mình bị thua kiện, như trong trường hợp “oái oăm” này?

Trong trường hợp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án cũng lơ là trách nhiệm của mình, không chỉ đạo cho cấp dưới thi hành thì bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ mãi mãi chỉ là những tờ giấy không giá trị. Trong trường hợp này, pháp luật sẽ không được thực thi và tình trạng “thắng kiện trên giấy” vẫn tồn tại, gây bức xúc cho xã hội.

Nhìn ở góc độ khoa học, bên cạnh các luật và bộ luật về tố tụng thì bao giờ cũng có các luật về thi hành án. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng dân sự - Luật Thi hành án dân sự; Bộ luật Tố tụng hình sự - Luật Thi hành án dân sự. Do vậy, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính để bảo đảm cho pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính