Sáng nay 15/11, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; đảm bảo sự chặt chẽ, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu và khắc phục những bất cập hiện nay.
Đại biểu Trần Văn Tiến- Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các hoạt động phải đấu thầu. Đồng thời, cần có quy định khái niệm vốn nhà nước nhằm bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với các quy định tại pháp luật có liên quan. Đối với quy định mua sắm tập trung, mua sắm thường xuyên, mua thuốc vật tư y tế, cung cấp sản phẩm dịch vụ công trong đấu thầu, các đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cần làm rõ quy định trường hợp cấp bách trong y tế và cơ quan nào được xác định là trường hợp cấp bách.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đấu thầu hiện nay đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trên thực tế nên cần phải sửa đổi.
Theo đại biểu, đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như toàn thể dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ.
Do vậy, quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc là cần thiết; đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu. Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị…
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu - Thái Bình cũng có chung nhận định: Có những trường hợp cấp bách của đơn vị này nhưng không phải cấp bách của đơn vị khác và Hội đồng chuyên môn của các bệnh viện có được xác định cấp bách để kịp thời mua sắm ngay lập tức để điều trị cho bệnh nhân hay không... Do vậy, cần thiết bổ sung quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế, cụ thể một số nội dung như mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác...cần quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn, đối với các hành vi câm trong đấu thầu cần quy định rõ hơn để khi thực hiện không bị vi phạm...
Đại biểu Nguyễn Tri Thức - TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc là chưa đủ.
Ban soạn thảo nên bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường là không phù hợp, phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Về quy định tại khoản 5, Điều 39: Khi đấu thầu được phép mua, được chọn xuất xứ để có những thiết bị y tế hiện đại để phục vụ người bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng, nên sửa lại là cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc bệnh viện tuyến cuối được phép lựa chọn thương hiệu để mua sắm thuốc hoặc trang thiết bị y tế. Có như vậy thì người nghèo và bệnh viện công mới được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại và các thiết bị tiên tiến nhất.
Đại biểu cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện nay mới chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách. Nên khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Nên cho phép lãnh đạo bệnh viện hay là Đảng ủy, Hội đồng xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh, đại biểu nêu quan điểm.
Đầu giờ sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với tỷ lệ đại biểu tán thành cao.