Ngày 17/4, tại phiên họp thứ 9, UBTVQH cho ý kiến về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Tăng số lượng doanh nghiệp đóng BHXH
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Hỗ trợ DNNVV trình UBTVQH lần này nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu tham dự, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như tiêu chí để đóng BHXH, mức hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh lên doanh nghiệp (DN).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV như: giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia BHXH, sẽ thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ theo luật này. Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 DN đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số DN. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.
Về việc bổ sung chính sách hỗ trợ cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, theo phản ánh của cộng đồng DN, số lượng DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số DN, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế trong khi vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp. Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu để bổ sung những quy định có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhóm DN này.
Thảo luận về những nội dung này, nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị giảm mức trần lao động từ 300 xuống 200 và cho rằng, hiện nay có nhiều người bắt đầu thành lập DN bằng cách sử dụng nhiều máy móc, nên không sử dụng nhiều lao động phổ thông, cho nên việc hạ điều kiện về số lượng lao động là hợp lý.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về đề nghị này, bởi cho rằng quy định như vậy sẽ khiến các DN chiếm phần lớn lao động, cụ thể là 58% DN chưa đóng BHXH sẽ bị thiếu “sân chơi”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, dự thảo Luật lần này đã thể hiện tiếp thu nhiều ý kiến sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, việc coi DNVVN và siêu nhỏ là yếu thế có vẻ như chưa đúng, bởi các DN này chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản, các tập đoàn và DN đa quốc gia không sản xuất những sản phẩm đơn giản như vậy, nên không có sự cạnh tranh.
Ban hành Luật Quy hoạch: Phải sửa nhiều luật khác
Dự án Luật Quy hoạch quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về hệ thống quy hoạch quốc gia, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, đối với quy hoạch xây dựng và quy hoạch khu chức năng đặc thù, hiện nay theo quy định tại Điều 13 của Luật Xây dựng gồm 4 nội dung sau: Quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù và quy hoạch nông thôn. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ hữu quan và để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia; các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp quốc gia được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp tỉnh bao gồm định hướng phát triển quy hoạch đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu nghiên cứu đào tạo thể dục thể thao… được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, hiện nay dự thảo Luật Quy hoạch đang được xây dựng theo hướng luật khung, việc triển khai cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương khi thực hiện lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp sẽ được xây dựng theo phương pháp từ dưới lên với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan nhưng việc phê duyệt quy hoạch sẽ theo phương pháp từ trên xuống để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất.
Đáng chú ý, khi ban hành luật này sẽ phải sửa đổi 32 luật khác đã ban hành trước đó có quy định về vấn đề quy hoạch. Do vậy, dự thảo Luật đã có một điều khoản quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của luật.
Một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những nội dung của các luật hiện hành trái với quy định luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần có phương án xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt khi luật này có hiệu lực.
Theo báo cáo của các cơ quan hữu quan, có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch được quy định tại Điều 68. Cùng với đó, giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục quy định, bảo đảm phù hợp với luật quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 1/1/2019. Chính phủ đã họp và có Nghị quyết theo hướng bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018 việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại 32 luật này (28 luật sửa đơn giản tiến hành sửa trước, 4 luật phải sửa phức tạp sẽ để sửa sau).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của Ủy ban Kinh tế, đồng thời khẳng định luật này là luật khung để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện và làm căn cứ để sửa các luật có liên quan. Khi thông qua Luật Quy hoạch xong sẽ có kế hoạch sửa 32 luật khác có liên quan về vấn đề này để tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo. n