Cân nhắc khi giao cơ quan quản lý cấp phép phân loại đối với phim Việt Nam

Quốc Huy| 29/03/2022 14:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

hoi-nghi.jpg

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau là chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đồng thời lược bỏ một số quy định trùng lặp về công tác quản lý nhà nước đã được quy định ở Điều 45 Luật này…

Góp ý kiến dự luật này, các đại biểu nhận định, dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa thể hiện rõ sự gắn kết, mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, khó đi vào thực tiễn cuộc sống; chủ yếu tập trung vào các quy định quản lý hành chính; chủ yếu đưa các quy định về quyền, nghĩa vụ và các điều kiện phải thực hiện. Do đó, Ban soạn thảo cần quan tâm thêm về vấn đề này để các chính sách được áp dụng trong thực tiễn, nhất là cần làm rõ ngành công nghiệp điện ảnh liên kết với ngành công nghiệp khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các quy định theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động điện ảnh.

cqh_3741.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tại phiên họp sáng nay 29/3.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) băn khoăn, Điện ảnh là một ngành văn hóa nghệ thuật mang tính đại chúng lớn, là môn nghệ thuật tổng hợp, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm điện ảnh có khả năng phổ cập, tác động sâu rộng tới tinh thần và đời sống văn hóa của công chúng nhanh, mạnh hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. Do vậy, việc tập trung công tác thẩm định, phân loại phim bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chính trị, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, có một thực tế, nếu giao các địa phương cấp giấy phép, phân loại phim sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn lực; giao cho địa phương thành lập Hội đồng chuyên môn thẩm định để cấp giấy phép phim sẽ làm tăng thêm áp lực cho địa phương, chưa kể đến địa phương vùng sâu, vùng xa, nguồn nhân lực về lĩnh vực điện ảnh còn hạn chế.

Đại biểu cũng lo ngại nếu phân cấp cho các địa phương quản lý thì dễ phát sinh “giấy phép con”, gây khó khăn cho DN. Vì theo phân cấp quản lý, thì việc ra quyết định cấp phép của một tỉnh chỉ có giá trị trong tỉnh đó và không áp dụng cho các tỉnh khác. Do vậy, Ban soạn thảo cần lưu ý kỹ phương án giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam, đại biểu đề xuất.

20220329124534minh-anh.jpg
Đại biểu Dương Minh Ánh- Hà Nội phát biểu thảo luận.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, một số vấn đề đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát việc xây dựng Luật đã đáp ứng quan điểm, yêu cầu khi ban hành Luật hay chưa; nghiên cứu làm rõ hơn hoặc quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi để đảm bảo khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Đánh giá cụ thể, thuyết phục hơn tác động quy định tiền kiểm, hậu kiểm phim trên không gian mạng, vai trò quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm; quy định về chủ thể phát hành phim trên không gian mạng. Cơ chế, yêu cầu hợp tác đầu tư, dịch vụ cho sản xuất phim nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để tạo nguồn lực tốt hơn cho phát triển điện ảnh; về chính sách đột phá, chính sách ưu đãi, mối liên quan điện ảnh với phát triển kinh tế - xã hội; quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và nhiệm vụ chi đối với ngân sách nhà nước, Quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh. Đồng thời, giải trình rõ hơn về thủ tục thẩm định, cấp phép phân loại phim để phát hành; một số nội dung hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; cách dùng từ ngữ, phạm vi quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim; về điện ảnh phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục và hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc khi giao cơ quan quản lý cấp phép phân loại đối với phim Việt Nam