Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở

Đức Duy| 26/11/2019 13:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thư viện trong chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa trong nhà trường nhằm hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo Tổng kết công tác thư viện năm học 2018-2019 định hướng xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới

Thư viện sẽ là không gian học tập chung của nhà trường

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các văn bản pháp lý về tổ chức, hoạt động thư viện sau hơn 16 năm triển khai thực hiện đã có những nội dung “lỗi thời” so với thực tế hiện nay, nhất là khi Luật Thư viện vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) và Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88.

“Chúng ta phải đổi mới từng yếu tố để tạo ra chất lượng giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu mới của thực tế cuộc sống và hội nhập thế giới.  Trong đó một cấu phần rất quan trọng để tạo nên mô hình trường học chất lượng, góp phần hình thành thói quen đọc sách, năng lực tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo cho học sinh chính là phát triển và nâng cao hiệu quả thư viện trường học. Để làm được điều này, các văn bản pháp lý đã lỗi thời cần được chỉnh sửa, thay thế”, Thứ trưởng nói.

Chia sẻ về dự thảo Tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, dự thảo này sẽ cập nhật những thay đổi về vai trò, chức năng của thư viện trong đời sống thực tế hiện nay, cũng như để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài.

Theo đó, thư viện sẽ là không gian học tập chung của nhà trường, là nơi giúp cho giáo viên và học sinh học tập, bổ sung và cập nhật kiến thức. Đây đồng thời là trung tâm của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm của học sinh; nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng của học trò, nhằm xây dựng và phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ và sáng tạo cho người học.

Thư viện trong chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa trong nhà trường nhằm hình thành và nuôi dưỡng các phẩm chất nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho học sinh.

Chức năng và nhiệm vụ của thư viện trường tiểu học mới là Thông tin - giáo dục - chia sẻ kiến thức. Theo đó, thư viện sẽ là nơi diễn ra các hoạt động khuyến đọc, hình thành thói quen đọc, hướng dẫn sử dụng thư viện, tìm hiểu tra cứu thông tin, phát triển tài nguyên; đồng thời rèn kĩ năng đọc, tạo điều kiện cho học sinh củng cố kiến thức, mở rộng và hệ thống lại kiến thức, hỗ trợ giáo dục suốt đời.

Thư viện trường tiểu học còn có chức năng giải trí- sáng tạo thông qua việc tổ chức các trò chơi, hoạt động khám phá và sáng tạo. Thư viện sẽ kết nối cộng đồng- tạo môi trường nuôi dưỡng văn hóa thông qua việc kết nối giữa phụ huynh, cộng đồng với nhà trường bằng các hoạt động tìm hiểu văn hóa lịch sử tại địa phương, ngày hội đọc sách trong nhà trường.

Nguyên tắc hoạt động của thư viện trường tiểu học là: lấy học sinh làm trung tâm; tạo môi trường mở, thân thiện và an toàn cho người sử dụng; đa dạng hoá hoạt động thư viện; khai thác tối đa tài nguyên thông tin…

Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở

Trong 2 ngày hội thảo (25-26/11), Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia để hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn thư viện trường Tiểu học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong những vấn đề được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ “đặt hàng” các đại biểu quan tâm thảo luận, góp ý là tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện.

Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở

Ảnh minh họa. Nguồn Internnet.

Một trong giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong trường học, theo Thứ trưởng là phải khảo sát được nhu cầu của học sinh theo từng vùng miền, từng lứa tuổi, để từ đó lên kế hoạch mua sắm, xác định nguồn tài liệu phù hợp nhu cầu học tập, giải trí của các em. Đây cũng là hình thức thu hút học sinh đến với thư viện nhà trường.

Tiếp đó, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện đảm bảo phù hợp với nhu cầu của học trò, có hình thức hoạt động linh hoạt, phong phú nhằm tạo hứng thú cho học sinh đến đọc, học và phát huy được các năng lực, phẩm chất cho học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Chúng ta cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Cán bộ thư viện cần làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút học sinh đến thư viện trường đọc sách hoặc mượn về nghiên cứu. 4 yếu tố gồm: nguồn tài liệu, cán bộ thư viện, người đọc, cơ sở vật chất/hạ tầng kỹ thuật cần được liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trong các nhà trường”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở