Những ngày vừa qua, thông tin về những vụ đánh đập, hành hạ trẻ em đã khiến dư luận bất bình, căm phẫn. Đó là vụ bảo mẫu cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ, vụ người giúp việc tung hứng đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi rồi vụ bắt cóc sát hại bé gái hơn 20 ngày tuổi...
Trung tá Đào Trung Hiếu, một chuyên gia tội phạm học, cho biết những hành động chúng ta thấy tại trường mầm non Mầm Xanh tạo thành một cơn sang chấn về tâm lý cho toàn xã hội, bởi vì chúng ta đều biết trẻ em là đối tượng được bảo vệ. Đây là hiện tượng hết sức bất thường trong xã hội cùng với sự gia tăng tình hình tội phạm, mặt trái cơ chế thị trường kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan đến văn hóa, đạo đức lối sống...
Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Luật Trẻ em 2016, tại khoản 6, Điều 4 đã quy định rõ: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em…
Hình ảnh người giúp việc đánh đập bé hơn 1 tháng tuổi. Ảnh cắt từ clip
Theo quy định của pháp luật, với hành vi bạo hành trẻ em, về xử phạt hành chính thì theo điều 27 của Nghị định 144/2013 của Chính Phủ, mức phạt tiền là từ 5-10 triệu đồng. Nếu hành vi gây tổn hại ở mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em thì mức hình phạt sẽ là bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, về trách nhiệm hình sự, các hành vi phạm tội đối với trẻ em đều được xem là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quyền lợi của trẻ em và việc bảo vệ đối với trẻ em cũng rất được quan tâm qua các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, quy định về xử lý hành vi bạo hành trẻ em vẫn còn bất cập. Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng như Nghị định số 144/2013/NĐ-CP và xử lý hình sự với mức phạt như trên là còn quá nhẹ.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, những hành vi bạo hành trẻ diễn ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn hoặc chế tài pháp luật chưa đủ tính răn đe. Nếu những sự việc trên được xử lý một cách nghiêm khắc và mọi hành vi xâm hại trẻ em đều được phát hiện kịp thời thì đương nhiên sẽ không ai dám làm. Nguyên nhân do chúng ta đã buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, để đến khi báo chí phản ánh bằng những bài báo, những đoạn video thì xã hội mới biết.
Để góp phần ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, cần có nhiều giải pháp, trong đó cần phải tăng nặng chế tài xử phạt. Và cùng với đó là xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động giáo dục mầm non tư thục, nâng cao tuyên truyền kiến thức pháp luật trong nhân dân để hạn chế tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em từ gia đình, nhà trường đến xã hội.