Những hình ảnh quảng cáo quá sự thật về sản phẩm diễn ra hàng ngày khiến người tiêu dùng nhầm lẫn; Các loại thực phẩm chức năng được giới thiệu chữa bách bệnh song chất lượng thực ra sao thì vẫn còn phải bàn...
Đó là một trong nhiều hình thức quảng cáo “lách luật” chưa được kiểm soát chặt chẽ hiện nay.
Những chiêu quảng cáo mập mờ, “lách luật”
Đã từ lâu, thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm luôn phụ thuộc vào những hình ảnh quảng cáo. Song, chất lượng sản phẩm có được như quảng cáo hay không mới là điều đáng bàn. Hàng ngày, trên các kênh truyền hình dày đặc những hình ảnh quảng cáo về thực phẩm tiêu dùng như hạt nêm Knorr, Maggi…với những lời giới thiệu như: “Được chiết xuất từ thịt thăn, xương ống”, “Thơm từ thịt, ngọt từ xương”. Thậm chí, với loại bột nêm Maggi cao cấp xương hầm, trên bao bì ghi rõ “3 ngọt: ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy”.
Với cách quảng cáo này, các bà nội trợ đều nhầm tưởng rằng toàn bộ sản phẩm đóng gói được chiết xuất từ thịt và xương, nên đều mua dùng thay các loại gia vị, bột ngọt khác.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng tỷ lệ thịt và xương này chỉ mang tính… tượng trưng, tức là chỉ chiếm từ 1,8-2% còn lại 98% là chất điều vị, chất tạo ngọt khác. Thậm chí, ngay trên bao bì cũng ghi tỷ lệ như vậy nhưng những thước phim quảng cáo đã được thổi phồng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Một chuyên gia về công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, thành phần của hạt nêm rất khó được chiết xuất từ xương, xương ống mà chủ yếu từ thịt. Xương, tủy có chất béo, khi cô đặc lại cũng không để lâu được vì chất béo này rất dễ bị ôi thiu. Khả năng tỉ lệ từ thịt cũng thấp bởi lẽ giá thành cao. Như vậy, những thước phim quảng cáo hàng ngày vẫn đang “đánh lừa” người tiêu dùng.
Theo Luật Quảng cáo thì sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm cấm quảng cáo. Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và phần đầu của quảng cáo sữa dành cho trẻ bắt buộc phải có lời khuyến cáo “Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Còn Luật Quảng cáo mới được ban hành đã cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ và cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Sản phẩm có cách quảng cáo khiến người tiêu dùng nhầm lẫn
Tuy nhiên, hiện nay, không ít sản phẩm sữa dùng cho trẻ nhỏ vẫn “lách luật” để quảng cáo bình thường như: Quảng cáo các loại sữa non (dành cho trẻ sơ sinh) hay kín đáo hơn là “sữa 1-2-3”, bởi các sản phẩm này không dùng riêng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, mà dùng cho trẻ đến 3 tuổi. Nhiều người cho rằng, việc cấm quảng cáo các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi sẽ không đơn giản. Bởi nhiều sản phẩm sữa được dùng cho cả trẻ dưới và hơn 24 tháng tuổi, trừ khi luật được áp dụng nghiêm túc, khiến nhà sản xuất phải “tách” các sản phẩm ra theo lừng lứa tuổi.
“Nóng” nhất hiện nay là mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN). Mặc dù Bộ Y tế đã khẳng định, TPCN không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ mặt nào đó trong điều trị bệnh tật. Thế nhưng trên thực tế, nhiều công ty kinh doanh, sản xuất đã thổi phồng biến công dụng TPCN thành “thần dược” chữa bách bệnh từ yếu sinh lý, giảm cân đến bệnh ung thư.
Không chỉ quảng cáo mạnh về công dụng thần kỳ của các loại thuốc trên các trang mạng, các doanh nghiệp chuyên về TPCN còn mạnh tay để quảng cáo trên báo, truyền hình, hệ thống bán hàng đa cấp và nhiều nhất là tấn công vào các nhà thuốc lớn trên toàn quốc với mức chiết khấu lớn, thậm chí đến 50-70%.
Vượt tầm kiểm soát
Theo quy định, các nội dung quảng cáo trước khi phát trên truyền hình, hoặc các phương tiện quảng cáo khác phải được cơ quan chức năng kiểm duyệt chặt chẽ. Thế nhưng, việc kiểm soát hiện nay dường như không xuể, thậm chí quảng cáo, rao vặt trên mạng gần như bị “thả nổi”, dẫn đến đầy rẫy những thông tin, hình ảnh quảng cáo thiếu trung thực, thiếu thẩm mỹ, khiến người tiêu dùng lúng túng khó xác định được đâu là thật, đâu là giả.
Luật Quảng cáo mới vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Theo đó, một trong những hành vi bị cấm là quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn… Người quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về các thông tin đó…
Với những quy định như trên, hy vọng rằng cùng với việc thực hiện nghiêm túc các qui định pháp luật về quảng cáo, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần cân nhắc thận trọng với các thông tin, hình ảnh mình giới thiệu đến khách hàng, bởi điều này không chỉ thể hiện uy tín, chất lượng của sản phẩm, mà còn là đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải có biện pháp mạnh tay với kiểu quảng cáo không đúng sự thật hay ngăn chặn những trang mạng không chính thống quảng cáo tràn lan những sản phẩm chưa qua kiểm duyệt như hiện nay.
M.Thoa