Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng 24/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Về các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, dự thảo Luật mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
“Như vậy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật. Đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo Luật”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Ngoài ra, theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
Về Hệ thống giao thông thông minh tại khoản 1 Điều 7, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị cân nhắc làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”, hoặc chỉnh lý cụm từ “trí tuệ” bằng một cụm từ khác phù hợp hơn với nội hàm của “Hệ thống giao thông thông minh”.
Theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” còn trừu tượng, chưa thực sự rõ nghĩa. Khi triển khai cụ thể hóa trong thực tiễn sau này, dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau và rất dễ gây tranh luận.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về hoạt động vận tải đường bộ, Điều 77 dự thảo Luật Đường bộ quy định như sau: “Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm kinh doanh dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải hàng hóa, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hoá, dịch vụ xếp dỡ hàng hoá trên phương tiện, dịch vụ cho thuê phương tiện, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô”.
Theo đó, “ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải”.
Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, thì sẽ xác định là kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 61 dự thảo Luật Đường bộ.
Bổ sung quy định cấm xe quá khổ, quá tải
Theo đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính bao quát của dự án luật về các hành vi bị cấm.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quá khổ, quá tải trái quy định”. Vì đây là hành vi khá phổ biến phát sinh trong quá trình tham gia giao thông, nếu không có quy định này thì sẽ gây khó khăn cho thanh tra giao thông đường bộ trong quá trình xử lý hành vi vi phạm.
Cùng quan điểm, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông quá khổ, quá tải đường bộ trái quy định. Đại biểu nhấn mạnh, “việc bổ sung quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt công trình đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông”.