Chính trị

Cần luật hóa quy định “Tòa án có nhiệm vụ giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”

Duy Tuấn 22/11/2023 19:37

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), chiều 22/11, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án được “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”.

Viện dẫn quy định của Hiến pháp và pháp luật, chỉ duy nhất Tòa án có quyền phán quyết một người là có tội hay không có tội, tù hay không tù, thậm chí là tử hình hay không tử hình....Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn- đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đề nghị sớm luật hóa nhiệm vụ giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử vào dự thảo luật.

nguyen-thi-thuy.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

“Như vậy là phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của một con người. Điều này cũng đã được khẳng định rõ tại Điều 31 của Hiến pháp, đó là một người chỉ bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Còn kể cả khi đã có kết luận điều tra hay là cáo trạng của Viện kiểm sát thì người này vẫn chưa bị coi là có tội. Do đó Tòa án phải giải thích rõ trong bản án vì sao Tòa án lại tuyên bị cáo có tội, vì sao là tội này mà không phải là tội khác, vì sao là 5 năm mà không phải 10 năm tù, vì sao lại chấp nhận ý kiến của Viện kiểm sát mà không chấp nhận ý kiến của luật sư”- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Lấy ví dụ cùng là hành vi dùng dao tấn công nạn nhân và đều dẫn đến hậu quả chết người… Theo đại biểu, có những vụ án Tòa án tuyên bị cáo phạm tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, có những vụ án Tòa án lại tuyên bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

“Điều 134 về tội Cố ý gây thương tích có quy định là người nào cố ý gây thương tích mà dẫn đến làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Do đó Tòa án phải giải thích rõ trong bản án về việc áp dụng pháp luật của mình gắn với những tình tiết, tình huống cụ thể của vụ án và có giải thích một cách rõ ràng, thấu đáo thì mới thuyết phục được xã hội và mới khuất phục được tội phạm. Tôi thấy rằng việc giải thích này không chỉ đòi hỏi từ phía bị cáo mà còn là đòi hỏi từ phía nạn nhân, là đòi hỏi của toàn xã hội đối với phán quyết của Tòa án”.

toan-canhb2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Cũng theo đại biểu Thủy, đây là hoạt động mà các Tòa án vẫn thực hiện lâu nay. “Do đó luật hóa hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của các Tòa án đang thực hiện vào trong dự thảo luật sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn với mỗi Thẩm phán khi thực hiện xét xử.

Chúng tôi cũng rất tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho rằng, việc luật hóa trách nhiệm này, Tòa án không có thêm quyền lợi gì mà chỉ thêm nghĩa vụ nhưng sẽ tốt hơn cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và sẽ là căn cứ pháp lý để người dân và xã hội giám sát bản án của Tòa án”.

Đáng chú ý, theo đại biểu, việc luật hóa hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Tòa án không trùng lấn với thẩm quyền giải thích pháp luật, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tòa án giải thích việc áp dụng pháp luật, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của pháp luật và việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Tòa án phải được thực hiện với mọi vụ án.

Còn việc giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ phát sinh khi có một quy định của luật có cách hiểu khác nhau và phải có đề nghị thì Thường vụ Quốc hội mới giải thích. Thường vụ Quốc hội không tự nhiên lại đi giải thích một quy định của luật.

Còn đối với Tòa án, dù không có đề nghị thì Tòa án phải giải thích rõ việc áp dụng của pháp luật của mình. Bởi vì phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của con người, đến quyền sống, quyền chết, quyền tự do của con người”- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, xét góc độ tiếp cận ở quyền của người dân, chúng tôi thấy rằng việc luật hóa trách nhiệm này của Tòa án sẽ đặt ra quyền của người dân, đó là có quyền đề nghị Tòa án giải thích rõ trong bản án, vì sao lại tuyên họ thua kiện, vì sao lại bị phạt tù...

do-ngoc-thinh.jpeg
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng bản án của Tòa án, bảo đảm tính logic trong bản án, quyết định của Tòa án, từ đó sẽ tăng niềm tin của dân chúng vào Tòa án, vào công lý.

Đặc biệt, thực hiện tốt nhiệm vụ giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Tòa án sẽ là cơ sở, tiền đề cho việc hình thành các án lệ chất lượng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần luật hóa quy định “Tòa án có nhiệm vụ giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”