Không có sân chơi, thiếu những hoạt động phù hợp cho lứa tuổi của mình, nên các em nhỏ ở các khu vực ngoại thành chỉ biết tìm niềm vui bằng cách tự do bơi lội ở các con sông, con suối.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về Quyền trẻ em trong đó có quyền được vui chơi, giải trí. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa sân chơi cho trẻ em luôn được đề cập trong những dự án xây dựng, quy hoạch của các tỉnh thành, địa phương, những bản vẽ quy hoạch chi tiết về không gian vui chơi cho trẻ em đúng với quy chuẩn, cũng được các cấp phê duyệt.
Tuy nhiên, xét trên thực tế lại là sự thiếu trầm trọng sân chơi tiêu chuẩn cho trẻ em. Do sự quản lý thiếu chặt chẽ nên những không gian ấy dần bị chiếm dụng vào những mục đích như bãi đỗ xe, nơi kinh doanh, tường bao…
Đất công được chiếm dụng làm bãi gửi xe trong khi sân chơi cho trẻ còn thiếu trầm trọng
Khảo sát các sân chơi trên địa bàn Hà Nội như: Sân chơi khu tập thể Thành Công, thay vì những thiết bị đồ chơi chuẩn của trẻ em là những chiếc xe ô tô được đậu tràn lan, ở khu đô thị Nam Trung Yên thì thiếu trang thiết bị vui chơi nên cũng không đạt tiêu chuẩn. Khu vui chơi cho trẻ em ở các công viên thì đều đã trở thành nơi kinh doanh dịch vụ.
Không có sân chơi, thiếu những hoạt động phù hợp cho lứa tuổi của mình, nên các em nhỏ ở các khu vực ngoại thành chỉ biết tìm niềm vui bằng cách tự do bơi lội ở các con sông, con suối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ đuối nước gia tăng mỗi dịp hè về.
Trẻ em cần lắm những khu vui chơi đật tiêu chuẩn để phát triển thể dục thể thao...
Mặc dù Thủ tướng đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cấp có liên quan để xây dựng, quy hoạch tổng thể chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hóa vui chơi, giải trí cho trẻ em, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một đề án phối hợp nào mà chỉ dừng lại ở mức kêu gọi.
Tại một buổi Hội thảo chuyên đề về vườn hoa trong các khu dân cư ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định đất dành cho vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi cho dân cư, cho trẻ nhỏ cần phải được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật vì đây là quyền lợi chính đáng của người dân.
Cũng ở nhiều Hội thảo, diễn đàn khác, các nhà khoa học, nhiều tổ chức xã hội… lên tiếng báo động về hậu quả của thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em. Việc thiếu sân chơi sẽ khiến các em sẽ sa đà vào các game bạo lực, đồi trụy trên internet và từ đó dẫn đến việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, dính vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm….
Nhu cầu về sân chơi của thanh thiếu niên không chỉ đơn thuần là chỗ chơi mà còn là cơ sở để thế hệ tương lai phát triển thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống tinh thần. Để tạo ra chỗ vui chơi cho thanh thiếu niên không quá khó nếu như có sự quyết tâm từ các cấp, các ngành và toàn xã hội.