Cần kéo dài nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán

02/07/2014 10:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để giải quyết, xét xử tốt các loại vụ án, ở Toà án các cấp đều đòi hỏi Thẩm phán phải có trình độ, năng lực cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử.

Vì vậy, TANDTC đề nghị nên chỉ có hai ngạch Thẩm phán là: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Mặt khác, cần quy định kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm và kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán so với quy định hiện hành.

 

Nên quy định thành hai ngạch Thẩm phán

 

Theo quy định của pháp luật thì Thẩm phán là người nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ xét xử (có thể theo trình tự sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà không có Thẩm phán cấp trên, Thẩm phán cấp dưới. Theo quy định thì hiện nay đang có ba ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Ở TAND cấp tỉnh có Thẩm phán sơ cấp, nhưng Thẩm phán sơ cấp có được thực hiện nhiệm vụ xét xử và giải quyết những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh hay không chưa được quy định rõ. Mặt khác, do có sự phân định về các ngạch Thẩm phán và số lượng đối với mỗi ngạch Thẩm phán nên trên thực tế, có những Thẩm phán sơ cấp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp nhưng không thể bổ nhiệm được do giới hạn về số lượng Thẩm phán trung cấp. 

 

Cần kéo dài nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán

 

Các Thẩm phán TANDTC tuyên vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm (Ảnh minh họa) 

 

Bên cạnh đó, do có nhiều ngạch Thẩm phán khác nhau nên việc xây dựng chế độ và thực hiện chính sách đối với từng ngạch Thẩm phán cũng nảy sinh thêm những khó khăn, bất cập. Có những người có thâm niên công tác như nhau, có trình độ, phẩm chất chính trị như nhau nhưng người được bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp ở TAND cấp huyện có những thiệt thòi về chính sách, chế độ so với người được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp ở TAND cấp tỉnh. Mặt khác, việc định ra chức danh “Thẩm phán sơ cấp”, “Thẩm phán trung cấp” ít nhiều tạo ra sự hiểu sai về trình độ, năng lực của Thẩm phán, ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin và sự tín nhiệm của người dân đối với các Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp dẫn đến nhiều bản án, quyết định của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh bị kháng cáo.

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 của Hiến pháp 2013 thì Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các Tòa án khác. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có hai ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các Toà án khác. Tuy nhiên, để có sự kế thừa những quy định hiện hành về ngạch Thẩm phán và cũng để phù hợp với quy định của Hiến pháp về ngạch Thẩm phán nên hiện nay, Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vẫn đưa ra hai phương án về ngạch Thẩm phán. Theo đó, Chương VII (Thẩm phán), tại Điều 51 về các ngạch Thẩm phán (sửa đổi, bổ sung Điều 2 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội Thẩm TAND 2002) nêu rõ: Phương án 1 chỉ có hai ngạch Thẩm phán là: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Các bậc Thẩm phán, điều kiện, thủ tục nâng bậc Thẩm phán; nhiệm vụ của Thẩm phán các bậc do Chánh án TANDTC quy định. Phương án 2: Thẩm phán TAND gồm có bốn ngạch là: Thẩm phán TANDTC; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.

 

Mặc dù nêu hai phương án về ngạch Thẩm phán như trên, nhưng TANDTC đề nghị nên quy định theo phương án 1 chỉ có hai ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Bởi lẽ, để giải quyết, xét xử tốt các loại vụ án thì ở Toà án các cấp đều đòi hỏi Thẩm phán phải có trình độ, năng lực cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử. Vì vậy, ngoài Thẩm phán TANDTC là ngạch Thẩm phán đặc biệt thì các Thẩm phán khác không nên chia thành các ngạch khác nhau. Việc không chia Thẩm phán khác thành các ngạch khác nhau còn tạo thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác quy hoạch, luân chuyển để đào tạo cán bộ, điều động, biệt phái Thẩm phán, phòng chống tham nhũng trong công tác Tòa án, bảo đảm xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh theo tinh thần cải cách tư pháp. Việc quy định chỉ có hai ngạch Thẩm phán như Phương án 1 sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về các ngạch Thẩm phán; đồng thời sẽ nâng cao sự tín nhiệm của người dân đối với các Thẩm phán công tác tại TAND sơ thẩm, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của đa số các nước trên thế giới thì Thẩm phán cũng chỉ có hai ngạch là Thẩm phán TATC và Thẩm phán.

 

Nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán

 

Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì cần tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn. Hiện nay, nhiều ý kiến đều cho rằng, nhiệm kỳ của Thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm. Vì vậy, quy định kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán là sự thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và khắc phục được những bất cập của quy định hiện hành. 

 

Tại Điều 57 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán (sửa đổi, bổ sung Điều 24 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội Thẩm TAND 2002) cũng nêu ra hai phương án. Phương án 1: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; các Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Phương án 2: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; các Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 10 năm; TANDTC đồng tình với Phương án 2.    

 

Đối với tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, TANDTC đề nghị cân nhắc quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu không chỉ đối với Thẩm phán TANDTC mà cả đối với Thẩm phán khác. Tại Điều 59 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về tuổi làm việc của Thẩm phán; Phương án 1 nêu: Thẩm phán TANDTC được làm việc đến 65 tuổi; Thẩm phán khác được làm việc đến 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ. Phương án 2: Thẩm phán TANDTC được làm việc đến 65 tuổi; Thẩm phán khác nếu có đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục công tác thì có thể kéo dài tuổi làm việc nhưng không quá 5 năm so với quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu. 

 

Về vấn đề này, TANDTC thấy rằng cả hai phương án đều phù hợp, bởi lẽ xét xử là việc áp dụng pháp luật để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, nhận xét về tính đúng/sai, hợp pháp/không hợp pháp của các hành vi hoặc giá trị pháp lý của các sự kiện có liên quan trong vụ việc. Trong khi đó, pháp luật luôn thay đổi, được bổ sung để thích ứng với cuộc sống xã hội, nên Thẩm phán càng có thời gian công tác lâu năm càng tích lũy được nhiều vốn sống, kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn có ích cho công tác xét xử. Xuất phát từ đặc thù công việc của Thẩm phán là một nghề đặc biệt nên rất cần những người có kinh nghiệm trong công tác xét xử. Do đó, kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán so với quy định hiện nay là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

 

Trần Quang Huy

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kéo dài nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán