Mặc dù Luật Tố tụng hành chính (TTHC) hiện hành đã được hoàn chỉnh một bước so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, thẩm quyền của TAND cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử một cách tối đa và tăng thẩm quyền phán quyết của Tòa án đối với thực chất vụ việc, chứ không chỉ phán quyết tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện.
Thẩm quyền của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính
Quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được các bản Hiến pháp của nước ta ghi nhận. Bảo đảm tốt quyền này cũng là một yêu cầu lớn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đối với công dân, tổ chức, việc khiếu nại có ý nghĩa trực tiếp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Những năm qua, trong hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, bên cạnh mặt tích cực còn có rất nhiều vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến đơn, thư khiếu nại gửi đến các cấp rất nhiều. Việc giải quyết do nhiều nguyên nhân, thường là chậm chạp, thiếu khách quan, ít hiệu quả, làm cho khiếu kiện bị kéo dài. Nhân dân bức xúc, oan ức, dẫn dến mất lòng tin đối với cơ quan Nhà nước, gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; có nơi, việc khiếu nại lan rộng ra cả xã, huyện, thậm chí cả tỉnh; có nơi hàng chục công dân kéo lên các cơ quan ở Trung ương để khiếu kiện. Nhằm giải quyết tốt hơn thực trạng trên, Nhà nước đã thiết lập một hình thức giải quyết khiếu nại mới thông qua TAND. Đây là một chính sách để công dân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc xác lập chế định khiếu kiện trước Tòa án là một biểu hiện nổi bật của việc chuyển đổi nền hành chính Việt Nam theo hướng Nhà nước pháp quyền. Với việc thừa nhận tranh chấp hành chính và đưa vụ kiện ra Tòa án cho thấy quyết tâm của Nhà nước Việt Nam đặt nền hành chính dưới sự kiểm soát chặt chẽ đúng với tinh thần Nhà nước pháp quyền.
Tổ chức và hoạt động của TAND trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính được quy định chính thức đầu tiên bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2006, gần đây nhất là Luật TTHC năm 2010. Theo đó, Tòa Hành chính được tổ chức tại TANDTC và TAND cấp tỉnh; ở cấp huyện không tổ chức các Tòa chuyên trách, do đó cũng không có Tòa Hành chính. TAND cấp huyện được bố trí Thẩm phán chuyên trách để xét xử các vụ án hành chính.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức
Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính được quy định tại Điều 28 Luật TTHC năm 2010. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, Tòa án còn giải quyết các khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có thẩm quyền xem xét việc khởi kiện; thụ lý vụ án hành chính; xác minh thu thập chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thẩm quyền phán quyết. Khi xét xử vụ án hành chính, Hội đồng xét xử sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan. Hội đồng xét xử có quyền bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật; chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, Tòa án có quyền buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm; kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.
Như vậy ở nước ta, Tòa án chỉ có quyền phán xét về tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện; tuyên bố hủy bỏ quyết định sai trái, cấm hoặc buộc thực hiện hành vi hành chính đã được thực hiện hoặc chưa được thực hiện. Tòa án không trực tiếp quyết định thay việc giải quyết vụ việc của cơ quan hành chính đó.
Cần hoàn thiện thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết khiếu kiện hành chính
Trong tiến trình hội nhập và phát triển ở Việt Nam, mô hình giải quyết vụ án hành chính cũng như thẩm quyền giới hạn của Tòa án được quy định trong Luật TTHC năm 2010. Mặc dù Luật TTHC đã được hoàn chỉnh một bước so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Chính vì vậy, thẩm quyền của TAND cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử (đối tượng xét xử) một cách tối đa và tăng thẩm quyền phán quyết (giải quyết) của Tòa án đối với thực chất vụ việc chứ không chỉ phán quyết tính hợp pháp, hủy bỏ quyết định sai trái rồi giao lại cho cơ quan, tổ chức giải quyết lại một cách tràn lan như hiện nay, vì làm như thế người dân lại phải tiếp tục chờ đợi. Đồng thời cần xác định rõ quyền của Tòa án trong việc đôn đốc, giám sát các cơ quan hành chính trong việc thi hành án.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) về thẩm quyền phán quyết của Tòa án thì: Cần quy định rõ thêm ở mức độ luật, pháp lệnh thẩm quyền phán quyết (ra bản án, quyết định) về vụ án hành chính. Theo đó, phải có những quy định cụ thể trong trường hợp nào Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy, yêu cầu sửa đổi hay giữ nguyên quyết định hành chính bị khởi kiện; tuyên chấm dứt hành vi bị khởi kiện; trường hợp nào bác đơn khởi kiện. Điều quan trọng là: Nghiên cứu trao cho Tòa án quyền giải quyết thực chất các vụ việc - mà cụ thể đó là có quyền sửa đổi quyết định hành chính sai trái, quyết định mức bồi thường thiệt hại… Hơn nữa, Tòa án phải có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức sửa đổi quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thời hạn quy định, nếu không thực hiện thì Tòa án trực tiếp làm việc đó. Chỉ như vậy mới đảm bảo thực quyền của Tòa án và bảo vệ thực chất quyền công dân.
Đối với thẩm quyền giám sát thi hành bản án hành chính, cần nghiên cứu trao cho Tòa án, Thẩm phán nhiều quyền hạn trong việc tổ chức và giám sát thi hành phán quyết hành chính. Cụ thể là cho phép Thẩm phán đặt ra các biện pháp nghiêm ngặt để bắt buộc cơ quan hành chính bị kiện phải có nghĩa vụ chấp hành các phán quyết của Tòa án; yêu cầu cơ quan hay cá nhân ban hành văn bản sai thẩm quyền phải sửa chữa lại như nội dung bản án đã tuyên trong một thời hạn nhất đinh. Tòa án cũng có quyền yêu cầu phạt tiền hoặc xử lý hình sự đối với các cán bộ có thẩm quyền cố tình vi phạm công tác thi hành án; yêu cầu cơ quan hoặc thủ trưởng cấp trên xử lý các cơ quan, cá nhân vi phạm công tác thi hành án; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu cơ quan hoặc cán bộ vi phạm công tác thi hành án để lại hậu quả nghiêm trọng.
Để việc xét xử án hành chính thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức cho rằng, cần phải có phương án đổi mới căn bản mô hình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính; cần nghiên cứu để đưa ra những mô hình tổ chức xét xử mới mà ở đó có thể khắc phục những khiếm khuyết có tính bản chất về xét xử hành chính so với xét xử tư pháp. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng: Xét xử hành chính có tính chất như là “giả xét xử”, có nghĩa là vừa xét xử, vừa là quản lý, nên phải có sự chuyên môn hóa cao về quản lý, đồng thời đảm bảo được sự tranh tụng vốn là ưu thế của tư pháp. Nói cách khác, bên cạnh việc củng cố và hoàn thiện hệ thống Tòa án hành chính hiện hành thì việc đề xuất thiết lập cơ quan tài phán hành chính thuộc Chính phủ cũng cần được nghiên cứu. Mô hình cơ quan tài phán hành chính đã được áp dụng ở nhiều nước như Mỹ, Úc và các nước Đông Âu với việc tổ chức ra các cơ cấu chuyên trách để giải quyết tranh chấp hành chính thay cho các giải quyết bằng cơ chế khiếu nại.
Ở nước ta, việc tổ chức đồng thời hai hệ thống tài phán, một thuộc bộ máy hành chính và một thuộc hệ thống Tòa án nên được tiếp tục nghiên cứu, nhằm xây dựng cơ chế đa kênh cho người dân có quyền tự do lựa chọn để giải quyết các khiếu kiện hành chính.