Tình hình tội phạm tham nhũng đang ngày càng gia tăng, các cơ quan tố tụng cũng đã nỗ lực trong công tác phòng chống tội phạm tham nhũng nhưng kết quả vẫn chưa cao. Các ĐBQH đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong phòng chống tham nhũng hiện nay.
Những “cơ chế” tạo nên tham nhũng
Nhiều ý kiến đánh giá tình trạng tham nhũng năm nay không giảm mà tăng hơn trước nên khiến cho cử tri và nhân dân băn khoăn. Những vụ tham nhũng được phanh phui chủ yếu do nhân dân, do báo chí phát hiện, do bị tố giác mà ra. Vì vậy, làm thế nào để đẩy lùi nạn tham nhũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Nếu mỗi năm, Chính phủ lại báo cáo tham nhũng tăng lên sẽ làm mất lòng tin của cử tri cả nước.
ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho rằng: Việc đấu tranh trong nội bộ chúng ta chưa mạnh, chưa quyết liệt. Khi xảy ra rồi, vì sao việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án này thường kéo dài. Lúc đầu đưa thông tin lớn, dần dần nhỏ lại, khi kết thúc điều tra thì teo lại. Tài sản tham nhũng không thu hồi được bao nhiêu, chỉ khoảng 10% số tiền buộc phải thu hồi.
ĐB Huỳnh Văn Tiếp
Về biện pháp xử lý hiệu quả, ông Tiếp đề nghị: Khi có tình trạng tham nhũng xảy ra phải xử lý nghiêm minh, dù bất kể là ai, ở vị trí nào, nếu thiếu nghiêm minh, xử lý nội bộ để né tránh trách nhiệm sẽ gây hậu quả lớn vô cùng.
Cũng đề cập tới công tác PCTN, ĐB Phạm Viết Châu (Quảng Trị) cho rằng, khâu phòng ngừa hiện nay chưa tốt, biểu hiện rõ nhất ở những yếu kém trong quản lý nhà nước. Rồi hiện tượng ngày càng nhiều các vụ dân tụ tập đông người, phản đối chính quyền, khiếu kiện - đó chính là vấn đề niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước đã bị giảm sút nghiêm trọng.
Đây cũng chính là trăn trở của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, ĐBQH tỉnh Hòa Bình khi ông cho rằng: Người dân không tin tưởng, ủng hộ Công an vì lý do rất đơn giản là tiêu cực xảy ra trong ngành nhiều quá, lan truyền trong dân, làm xấu hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân. Để khắc phục, ông Huynh cho rằng, vừa phải biểu dương, tôn vinh những chiến sĩ tận tụy, hết lòng vì dân, đồng thời không ngại ảnh hưởng uy tín ngành, cần xử lý nghiêm cán bộ mắc sai phạm.
Hiểu sao cho đúng về án treo?
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc số bị cáo trong vụ án tham nhũng được hưởng án treo nhiều, phải chăng đó là tiêu cực, là do “chạy án”? Tuy nhiên, qua ý kiến của một số ĐBQH thấy rằng cách hiểu về án treo như vậy là chưa đầy đủ.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đã có ba đoàn kiểm tra việc xử tội tham nhũng ở TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ án treo được tuyên cao hơn các loại tội phạm khác. Nguyên nhân là án tham nhũng thường liên quan tới nhiều bị cáo. Trong số này, các bị cáo đồng phạm đều có nhân thân tốt, nếu xử tù giam như người chủ mưu thì bất công. Không lẽ 12-13 bị can mà tù giam hết. Mọi công dân đều phải được bình đẳng như nhau trước pháp luật. Luật đã quy định các căn cứ để cho hưởng án treo thì không thể phân biệt, đối xử, ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, dư luận cho rằng, khi xử án tham nhũng thì phải căn cứ vào tình hình chính trị. Muốn vậy, QH cần ra nghị quyết, chẳng hạn không cho áp dụng án treo với tội tham nhũng nữa. Giống như trước đây, QH ra nghị quyết quy định tài xế gây tai nạn chết người thì không được hưởng án treo. Nhưng ông cũng lưu ý, xử nặng thế mà tai nạn giao thông vẫn không giảm.
Còn ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) băn khoăn và đặt câu hỏi: Tại sao từ trước tới nay, các bộ, ngành, các hội thảo đều nói việc điều tra, truy tố, xét xử chưa tương xứng với tình hình tội phạm. Như thế nào là chưa tương xứng? Báo cáo phải có địa chỉ cụ thể, chứ đánh giá chung chung thế này, người dân nghe được càng thêm bức xúc.
Ở khía cạnh khác, ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) nêu lên thực trạng về tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vụ án manh động, giết người dã man, tội phạm ma tuý tăng đột biến. Thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, các cơ quan tư pháp đã rất quyết liệt, tập trung lực lượng phá án, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Lượng án tăng hàng chục vụ mỗi năm, tuy nhiên ngành Tòa án vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu, xét xử lưu động nhiều, đặc biệt là các vụ án lớn nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Áp lực công việc là rất lớn song chế độ tiền lương ngành tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng vẫn còn bất cập, trong khi cơ sở vật chất dù đã được quan tâm một bước nhưng vẫn còn chắp vá, lạc hậu.
PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW: Tham nhũng phải xử lý từ gốc
PV: Nhiều đại biểu Quốc hội nói về tình trạng nhiều tội phạm tham nhũng được hưởng án treo, rồi chuyển đổi tội danh tham ô, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái để hưởng hình phạt nhẹ hơn. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Trần Văn Độ: Báo cáo của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đã đề cập rất rõ, lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC và Cơ quan điều tra cũng đã có chỉ đạo chặt chẽ; đặc biệt Tòa án đã có các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát các Tòa án xét xử theo đúng pháp luật, tránh những trường hợp cho hưởng án treo hoặc giảm nhẹ tội. Chánh án TANDTC cũng đã có những đợt kiểm tra đối với các Tòa án cấp dưới, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng để hạn chế việc bỏ sót người, lọt tội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Tòa không được cho hưởng án treo, vì luật không cấm điều đó. Thứ hai là, người phạm tội tham nhũng hay không phạm tội cũng phải được xem xét, đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc.
PGS.TS Trần Văn Độ
PV: Trong kết quả phòng chống tham nhũng hay kết quả thanh tra, kiểm toán đã nêu rất nhiều vụ tham nhũng. Song, thực tế kết quả bị xử lý lại rất ít, đặc biệt là tại các địa phương. Vì sao vậy, thưa ông?
PGS.TS Trần Văn Độ: Tất cả 100% các vụ án tham nhũng được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chuyển đến thì Tòa án đều đưa ra xét xử. Vấn đề còn lại chính là vấn đề phát hiện, khởi tố để điều tra. Tôi nghĩ ở đây, ngoài nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra thì còn có trách nhiệm của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian qua, báo chí cũng có công rất lớn trong phát hiện tham nhũng. Đội ngũ báo chí, thanh tra và tố cáo của nhân dân giúp ích rất lớn trong công cuộc đấu tranh PCTN.
PV: Với tư cách là một ĐBQH, ông đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay ra sao và biện pháp nào sẽ là tốt nhất để ngăn chặn?
PGS.TS Trần Văn Độ: Tôi nghĩ là tình hình tham nhũng vẫn rất phức tạp. Thời gian qua, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã rất tích cực, các vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra truy tố, xét xử. Nhưng đáp ứng được nhu cầu hay chưa thì tôi nghĩ rằng vẫn còn những hạn chế. Tôi nghĩ rằng, vấn đề tham nhũng không đơn thuần ở việc điều tra, truy tố, xét xử để nó xảy ra ít, mà phải đề ra cơ chế, chính sách đối với toàn xã hội thế nào để tham nhũng không có đất sống. Tham nhũng xảy ra rồi mới “đuổi theo” để khởi tố, điều tra, xét xử thì tôi thấy không ổn. Cái đó chỉ là biện pháp tạm thời, còn cái lâu dài nhất là phải làm thế nào có biện pháp tổng thể về kinh tế xã hội, về chính sách pháp luật để không thể tham nhũng.
PV: Xin cảm ơn ông! |
Mai Thoa