Tại phiên họp thứ 36 UBTVQH diễn ra vào ngày 9/3, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp
Các ý kiến thảo luận nhất trí với Thường trực Ủy ban Pháp luật giữ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) với những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về nội dung trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sửa lại tên luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Bố cục của Dự thảo Luật được chia thành 14 chương với 150 điều.
Bên cạnh đó, vẫn còn ý kiến khác nhau về việc ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền ban hành nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, TANDTC và VKSNDTC là cơ quan áp dụng pháp luật nên không cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng, do trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế và với tốc độ xây dựng luật như hiện nay, có nhiều vấn đề chưa cụ thể hóa được trong luật. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện hành để đảm bảo thực hiện công tác Tòa án, đặc biệt là thực hiện quyền tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới 2013 và Luật Tổ chức Tòa án mới ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bớt đầu mối có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.