Cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư, quản lý và sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước

Quốc Huy| 11/11/2014 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục kỳ họp, sáng nay (11/11), Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN theo các hình thức đầu tư, đa số ý kiến đồng tình với Điều 10 của Dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn vào DN theo từng hình thức đầu tư cụ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập DN tại khoản 1 Điều 10, đặc biệt quy định tại các điểm c, d và đ là quá rộng và chung chung. Cần xác định những ngành, lĩnh vực Nhà nước không tham gia hoặc tham gia ở mức độ nhất định; những lĩnh vực Nhà nước cần giữ vốn và đẩy nhanh những lĩnh vực cần thoái vốn Nhà nước tại DN. Đề nghị quy định thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN phải do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư, quản lý và sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Trần Ngọc Vinh

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị làm rõ phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào các DN tại Điều 10 và Điều 13 Dự thảo Luật vì hiện còn đang quá rộng và chưa cụ thể, khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội. Do đó, cần quy định rõ hơn các ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước phải đầu tư 100% vốn, những ngành Nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của DN; các lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của Nhà nước tại DN.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, về phạm vi bổ sung vốn điều lệ tại DN đang hoạt động, thống nhất với Dự thảo là Nhà nước chỉ nên đầu tư vốn, áp dụng đối với các DN thuộc phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều 10; các DN khác đang hoạt động hiệu quả, Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư vốn nếu DN không có yêu cầu, nên cho phép DN chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Như vậy, Nhà nước có thể dành vốn vào đầu tư các ngành khác đang có nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội.

Về đầu tư ra nước ngoài của DN, Dự thảo Luật quy định theo hướng, làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Chủ tịch HĐQT Công ty đối với việc đầu tư ra nước ngoài của DN. Việc đầu tư ra nước ngoài của DN, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Dự thảo Luật này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của DN do Nhà nước nắm giữ 100%, tại Điều 28 khoản 2, điểm d quy định đầu tư ra ngoài DN, quy định đầu tư mua công trái, trái phiếu, các đại biểu đề nghị nên bỏ quy định này vì mục tiêu huy động vốn công trái, trái phiếu là huy động vốn trong nhân dân, trái phiếu do Nhà nước phát hành, trong khi các DNNN dùng nguồn vốn Nhà nước để mua là không hợp lý, không phù hợp với chức năng kinh doanh của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư, quản lý và sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước