Cần đóng cửa làng nghề ô nhiễm nặng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước hiện có gần 4.600 làng nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn.

Kết quả mà các làng nghề mang lại là không thể phủ nhận, nhưng tình trạng ô nhiễm làng nghề đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than, hóa chất. Tái chế kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ đang là những ngành gây ô nhiễm lớn nhất. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt 3-8 lần so với quy chuẩn, hàm lượng SO2 có nơi vượt 6,5 lần... Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường làng nghề tới 5,5% GDP hàng năm.

Những lò gạch ở làng Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ nhả khói chứa khí thải độc chứa cacbon - (Ảnh: Châu Anh/Tuổi trẻ)

Mặc dù đã có đầy đủ các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) áp dụng cho các làng nghề, song trên thực tế việc triển khai vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có nơi còn không hề thực hiện. Theo kết quả kiểm tra, hầu như các làng nghề đều không có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, thậm chí có công trình xây xong nhưng không vận hành. Các cán bộ môi trường dù đã được phân cấp nhiệm vụ cụ thể song vẫn không phát huy vai trò của mình. Theo báo cáo của Chính phủ, lượng cán bộ tham gia vào công tác quản lý môi trường ở địa phương toàn quốc là 2.600 người, nhưng có đến 95% cán bộ cấp huyện không hề có bằng cấp chuyên môn trực tiếp về môi trường.


Tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho làng nghề chỉ khoảng hơn 500 tỉ đồng và sử dụng chủ yếu cho xây dựng cơ sở hạ tầng, còn lại, tiền chi cho việc xử lý ô nhiễm hầu như không có. Từ những bất cập trên, Đoàn Giám sát đã đưa ra nhiều đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội như tăng đầu tư từ ngân sách cho chi BVMT cao hơn so với mức 1% hiện nay.


Bên cạnh việc đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các làng nghề, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên ban hành nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về thực thi pháp luật tại làng nghề và chương trình quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường tại đây. Để giải quyết trước mắt tình trạng ô nhiễm, nhiều đại biểu đề nghị kiên quyết đóng cửa các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, và tiến tới đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đóng cửa làng nghề ô nhiễm nặng