Cần đánh giá kỹ tác động của các điều kiện được đề nghị đặc xá

Ngọc Mai| 11/04/2018 22:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại Phiên họp thứ 23 diễn ra chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá

Theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân, 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện, Luật Đặc xá đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào 3 nội dung Quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung và lý do sửa đổi, bổ sung trong từng chính sách cụ thể của Luật Đặc xá.

Cần đánh giá kỹ tác động của các điều kiện được đề nghị đặc xá

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật

Mặc dù Chính phủ đánh giá hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá là “diện người được đặc xá tha tù trước hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội,” nhưng cả Tờ trình, Báo cáo tổng kết chưa đánh giá cụ thể, rõ ràng hạn chế này xuất phát từ những quy định nào của Luật hiện hành để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa phân tích rõ tác động của việc thay đổi lớn về chính sách, chủ trương đặc xá, nhất là việc thay đổi thời điểm, điều kiện và đối tượng đặc xá…

Về bản chất, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn khi đáp ứng những điều kiện nhất định.

Do vậy, chế định này có liên quan chặt chẽ với nhiều chính sách khoan hồng khác của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như miễn chấp hành hình phạt (Điều 62), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63), tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhưng báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ việc sửa đổi Luật Đặc xá có tác động thế nào đến việc thực hiện các quy định có liên quan này. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục giải trình, làm rõ các vấn đề trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, đặc xá là chính sách nhân văn, nhân đạo.

Vấn đề đặt ra là cần làm rõ trong dự thảo luật quy định về đặc xá có điểm gì khác với hình thức giảm án, tha tù trước thời hạn; tính chất đặc biệt của đặc xá phải được thể hiện trong các nội dung như thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá… như thế nào?

Chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định

Qua xem xét điều kiện được đề nghị đặc xá (Điều 10), Ủy ban Tư pháp cho rằng, khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định các điều kiện đặc xá cơ bản giống như điều kiện tha tù trước hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn, thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa. Tuy nhiên, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không bảo đảm đúng tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là nữ đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… Điều kiện được xét đề nghị đặc xá gồm: Phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án, Ủy ban Tư pháp đề nghị, cần quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn.

Đưa ra ý kiến cá nhân về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ rõ, điều kiện được đề nghị đặc xá trong dự thảo Luật đã bổ sung thêm tiêu chí “người phạm tội lần đầu”, tương tự như quy định điều kiện tha tù trước thời hạn tại Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, trong khi hiện chỉ một số đối tượng được xem xét đề nghị đặc xá khi đã chấp hành xong hình phạt bổ sung (phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác), thì dự án Luật lại mở rộng áp dụng cho tất cả các đối tượng thực hiện xong hình phạt bổ sung. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, những thay đổi về chính sách được đề nghị đặc xá này phải được đánh giá tác động, và chú ý xác định rõ chính sách mới có đúng với bản chất của hoạt động đặc xá hay không?

Những người quá nghèo không thực hiện được hình phạt bổ sung thì sao?

Góp ý cụ thể vào dự án luật, liên quan đến điều kiện “phạm tội lần đầu” mới được xem xét đặc xá, ông Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề nghị cân nhắc vì người phạm tội lần đầu nhưng gây thiệt hại 30 triệu, trong khi người phạm tội hai lần nhưng chỉ có 4 triệu đồng thì đánh giá thân nhân như thế nào! Hay người vô ý phạm tội giao thông hai lần và bị vào tù nhưng theo quy định này thì không được đặc xá, trong khi phạm tội hiếp dâm lần đầu có khi được xem xét.

Hay về điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung về dân sự, theo ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu xử lý không khéo sẽ tạo cú sốc rằng người giàu, người có tiền thực hiện thì được đặc xá còn người nghèo, không có tiền để chấp hành thì ở tù suốt đời.

Cần đánh giá kỹ tác động của các điều kiện được đề nghị đặc xá

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp 

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với những người quá nghèo, quá khó khăn không đủ điều kiện thực hiện hình phạt bổ sung thì nên để Chủ tịch nước xem xét. Cùng với đó cần đánh giá tác động xem điều kiện trong dự thảo có “chặt” quá hay không và ảnh hưởng thế nào tới các đối tượng.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhưng Trung ướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, nếu điều kiện “chặt” quá thì không được nhưng nếu “lỏng” thì có khi việc đặc xá lại tràn lan, mất đi ý nghĩa của chính sách này.

Liên quan đến việc chấp hành hình phạt bổ sung, ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận, có trường hợp điều kiện quá khó khăn, bất khả kháng sẽ không chấp hành xong, trong khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác. Nhưng ở góc độ khác là trong khi bị hại chưa được đảm bảo lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ, tài sản của nhà nước, tổ chức chưa được khắc phụ mà đối tượng vẫn được xem xét đặc xá thì e rằng dư luận chưa hẳn đã đồng tình.

“Tinh thần là ta phải phân biệt thật cụ thể từng hợp giải quyết đặc xá để người dân thấy thực hiện như thế là vô tư, còn về kỹ thuật thiết kế vào luật sẽ cần nghiên cứu thêm” – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đặc xá là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần tổng kết thực tiễn và đánh giá chính sách đối với những điểm sửa đổi, bổ sung; giải trình, thuyết minh rõ nhất là những vấn đề liên quan đến điều kiện để xét đặc xá, không được hưởng đặc xá…

Sau phiên họp này, ban soạn thảo và các cơ quan liên quan cần phối hợp để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình 2 kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đánh giá kỹ tác động của các điều kiện được đề nghị đặc xá