Đó là quan điểm của nhiều đại biểu (ĐB) tại phiên Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Luật Ngân sách Nhà nước (Luật NSNN sửa đổi) ngày 2/6. Theo dự kiến, Luật NSNN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Khắc phục tính lồng ghép của các cấp ngân hàng
Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cần khắc phục tính lồng ghép của các cấp ngân sách để giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay trong quản lý NSNN. UBTVQH cho rằng, các tồn tại trong quản lý NSNN hiện nay một phần là do lồng ghép ngân sách. Do vậy, để thực hiện được các quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và khắc phục các tồn tại hiện nay, Dự thảo Luật mới đã hoàn thiện các quy định có liên quan như: Bổ sung một số quy định tại Điều 44 về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập dự toán ngân sách hàng năm và Điều 45 về thảo luận và quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm.
ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhận thấy, quy định về công khai và giám sát ngân sách tại cộng đồng chưa quy định rõ đối tượng phải công khai, chưa thể hiện rõ hình thức công khai các nguồn quỹ từ NSNN và các Quỹ từ đóng góp của nhân dân. ĐB cho rằng, quy định cũng chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách thôi, chứ cấp ngân sách của chúng ta công khai các quỹ là khó thực hiện được. Trong luật chưa thể hiện rõ việc công khai các nguồn quỹ thu từ ngân sách Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân. Vì vậy, cần phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách, nhất là các nguồn quỹ mà có nguồn ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Sơn phát biểu ý kiến
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể các nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, bằng cách thu toàn bộ vào ngân sách Nhà nước, sau đó làm dự toán chi, nếu không chúng ta dễ bỏ qua một phần của nguồn thu ngân sách Nhà nước; nên công khai hoá nguồn quỹ và hằng năm, các quỹ phải chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền; báo cáo kế hoạch và quyết toán thu chi với các cơ quan quản lý tài chính.
Các ĐB khác cũng đề nghị, các đơn vị có nguồn thu quỹ cao, nguồn thu lớn, diện rộng hằng năm phải báo cáo Quốc hội cũng như HĐND về nguồn thu quỹ nãy, tránh tình trạng nhiều nguồn thu quỹ hiện nay công khai còn hạn chế.
ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, trong khuôn khổ duy trì thể chế ngân sách lồng ghép Trung ương - địa phương mà Luật lần này cố gắng minh bạch một số nội dung là tích cực trong khuôn khổ đó. Tuy nhiên, nếu ngày nào đó phải thay đổi thì chúng ta thiết kế làm sao hướng tới khi có điều kiện, xóa lồng ghép ngân sách, vì đó là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến những bất cập và tình trạng của NSNN thời gian qua.
Luật NSNN và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có mối quan hệ khăng khít, không tách rời. Đề nghị làm rõ những khoản nào thuộc cơ chế phân quyền gắn với chính quyền địa phương. “Chính điều này cho rằng, chúng ta vẫn phân cấp nhập nhằng về nhiệm vụ, ngân sách và đây chính là chỗ thiếu minh bạch hiện nay”, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cần quy định chi ngân sách đặc thù cho các cơ quan tư pháp
Về vấn đề chi ngân sách, nhiều ĐBQH đồng ý có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của NSNN, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi của các quỹ.
Dẫn thực tế của Quảng Ninh có đến 18 quỹ các loại song trừ Quỹ bảo vệ môi trường thì đa số là các quỹ quy mô nhỏ, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị cần có chế tài kiểm soát việc thành lập các loại quỹ, kiểm tra, thanh tra việc quyết toán các loại quỹ để theo dõi. Bên cạnh đó, ĐB Khúc Thị Duyền đề nghị thêm quy định những đơn vị có nguồn thu quỹ lớn, có diện rộng phải báo cáo tình hình Quỹ hàng năm để tránh như hiện nay công tác công khai còn hạn chế.
Theo giải trình của UBTVQH, các quỹ hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều Luật và Nghị định có tính chất chuyên ngành nên với phạm vi điều chỉnh đặc thù, dự thảo Luật đã trình QH chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp NSNN và điều kiện để NSNN hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách. Trên cơ sở các điều kiện Luật định, giao Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách và khi đó phạm vi hoạt động của các quỹ sẽ thu hẹp hơn, bảo đảm NSNN là thống nhất. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nhiều quy định để việc quản lý các quỹ chặt chẽ hơn.
Về quy định ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho một số nhiệm vụ của ngân sách cấp trên tại địa bàn các địa phương, một số ý kiến không đồng ý có quy định này. Theo giải trình của UBTVQH, Luật NSNN hiện hành quy định nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm, nhưng trên thực tế, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc vì có những trường hợp cần thiết phải hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn; hỗ trợ cho địa phương khác khi gặp thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề… Để khắc phục tồn tại, Dự thảo Luật trình QH cho ý kiến đã bổ sung quy định về vấn đề này (khoản 9 Điều 9). Vì vậy, đề nghị QH cho giữ như quy định tại Dự thảo Luật đã trình QH.
ĐB Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, thực hiện cơ chế hỗ trợ ngân sách địa phương cho các cơ quan tư pháp theo tinh thần NQ số 49 của Bộ Chính trị hiện nay khó khăn. Nhiều địa phương muốn hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp nhưng hiện không có cơ chế hỗ trợ cho các Tòa án hiện nằm trên địa bàn, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Do đó, quy định về nguyên tắc chi ngân sách địa phương cần quy định rõ hơn trong đó có nhiệm vụ đặc thù cần chi, có thể được xét ngân sách cấp.
Thứ hai, thực tế hiện nay, các tranh chấp gia tăng, dẫn đến nhiều phát sinh trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Vậy nên, đề nghị cho sử dụng ngân sách dự phòng trong tổng số dự toán ngân sách được cấp để các Tòa sử dụng cho công việc đặc thù nói trên. Bên cạnh đó, liên quan đến việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, mức đầu tư cho các cơ quan tư pháp theo NQ số 49, đề nghị Quốc hội bổ sung thêm nội dung UBTVQH quyết định cấp chế độ, đầu tư cơ sở vật chất cho Tòa án, VKS vào Luật Ngân sách.