Mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, trong đó nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Theo PGS Vũ Quang Thọ để nội dung này được triển khai hiệu quả trên thực tế thì "Trường hợp nào vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm tùy vào mức độ cấp".
Ảnh minh hoạ
Ngày 20/12, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2017. Theo đó, các địa phương sẽ không bắn pháo hoa dành thời gian và kinh phí để chăm lo Tết cho người nghèo, đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt Ban Bí thư nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị tăng cường công tác điều hành quản lý dịp Tết Nguyên đán 2017, trong đó nhấn mạnh “các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo, yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành”.
Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phó Giáo sư Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ nhưng cần phải được thực hiện nghiêm túc mới tạo niềm tin cho nhân dân và người lao động.
Để thực hiện tốt Chỉ thị này, theo Phó Giáo sư Vũ Quang Thọ, công tác tuyên truyền rất quan trọng để toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu và đồng loạt làm theo, tránh tình trạng người thực hiện, người không thực hiện. “Thực tế, người lao động rất mong không phải biếu quà cho cấp trên vào các dịp lễ, Tết, nhưng vẫn phải làm vì nhiều lý do. Để Chỉ thị của Ban Bí thư được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, lãnh đạo đơn vị các cấp phải làm gương và ban hành quy định cụ thể để tổ chức thực hiện. Trường hợp nào vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm tùy vào mức độ cấp. Nếu thực hiện được như vậy, chắc chắn tình trạng tặng, nhận quà sẽ chấm dứt”, Phó Giáo sư Vũ Quang Thọ nhấn mạnh
Phó Giáo sư Vũ Quang Thọ cũng phân tích, việc “cấm” là kịp thời, cần thiết nhưng muốn hiệu quả phải thực hiện triệt để vì nếu không cẩn thận sẽ bị biến tướng theo nhiều hình thức nhằm đối phó với quy định. Vì vậy, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ quan truyền thông và nhân dân cũng cần phát huy vai trò giám sát trong việc phát hiện và thông báo những trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm được như vậy, công tác phòng chống tham nhũng mới thực sự đạt hiệu quả và tạo niềm tin cho nhân dân.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương này của Đảng và Chính phủ, ông Bùi Đình Tú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khẳng định: Đất nước còn nhiều khó khăn, giảm vui chơi giải trí để giúp đỡ đồng bào là việc làm có ý nghĩa. Chỉ thị Ban Bí thư cấm bắn pháo hoa ngày Tết là rất cần thiết. Thể hiện sự đồng tình cao với Chỉ thị, ông Tú cho rằng trước hết không bắn pháo hoa sẽ là hoạt động thiết thực, giúp tiết kiệm kinh phí, dành số tiền đó giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Trong Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương; trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. '
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón Tết năm 2017 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng như các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Túc khẳng định: Sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, niềm tin của nhân dân đã tăng lên. Đó là vì Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật cả việc làm được, chưa làm được. Hàng loạt chính sách của Đảng, Nhà nước về trợ cấp xã hội cũng như chăm lo cho đồng bào vùng lũ lụt, những quyết sách về bảo vệ tài nguyên và môi trường... đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Mặc dù đất nước đang gặp khó khăn nhưng nếu Đảng thực sự tin tưởng, dựa vào dân, sẽ vượt qua được mọi thách thức.