Sáng nay 29/9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Phiên họp có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh
Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Năm 2021 đã chuẩn bị tốt nhất và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được giữ vững, thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán. Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bênh, nhất là ngoại giao vaccine…
Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, nền kinh tế chịu tác động nặng nền do dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 3,5-4%, tiềm ẩn một số rủi ro kinh tế vĩ mô. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận và cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ đề cập đến.
Các đại biểu đã có đánh giá về các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ, công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương; và cho rằng cần đánh giá tổng thể các nguồn lực đã chi cho công tác phòng, chống dịch bao gồm các nguồn chi từ ngân sách nhà nước, đóng góp của tổ chức cá nhân, các nguồn hỗ trợ.
Các đại biểu chỉ ra việc thu ngân sách nhà nước dự kiến hụt thu khá lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương, tình trạng giải ngân đầu tư công vẫn đang rất chậm, tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm; nguy cơ lạm phát; thu hút vốn FDI giảm, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa, nông sản gặp khó khăn.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, một trong những yếu tố góp phần đạt được kết quả tích cực là chính sách tài khóa kết hợp tiền tệ được Chính phủ điều hành với sự tham gia tích cực của Quốc hội được kịp thời ban hành, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tế trong xử lý tình huống cấp bách, phục vụ ứng phó phòng chống dịch bệnh.
Phải có chính sách “rã đông” nền kinh tế
Các đại biểu đề nghị làm rõ động lực tăng trưởng trong nước từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và FDI và từ xuất khẩu để có biện pháp phù hợp. Theo đó, các đại biểu đề nghị làm rõ nhiệm vụ những tháng còn lại ưu tiên đầu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần sớm có kế hoạch nghiên cứu gói hỗ trợ phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới; cần có biện pháp quyết liệt thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn để tăng thêm nguồn thu ngân sách trong bối cảnh chi ngân sách rất lớn hiện nay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này cần phải có kế hoạch, lộ trình, phương án cụ thể để tùy mức độ tình hình của dịch sẽ có những phương án ứng xử của chính quyền doanh nghiệp, người dân. Từ đó có áp dụng thống nhất giữa các địa phương để người dân doanh nghiệp có thể chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, có biện pháp dự phòng, tạo an tâm cho môi trường đầu tư.
Còn theo đại biểu Phạm Đức Ấn, cần có chính sách “rã đông” nền kinh tế sau thời gian dài giãn cách. Theo đó, bên cạnh tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ đã ban hành thì Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu có thêm các gói hỗ trợ lớn hơn, mạnh hơn, cần có chương trình kích cầu sớm; giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, chuyển dịch lao động sau dịch. Nhưng cần thận trọng trong ban hành chính sách hướng đúng trọng tâm hỗ trợ, tránh dàn trải, quan tâm đến những đối tượng thực sự khó khăn, quan tâm đến người nông dân.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, cân đối ngân sách khó khăn, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách tài khóa và tiền tệ. Vì vậy đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan để tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này, qua đó, cẩn trọng tham mưu, đề xuất chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững chỉ tiêu lạm phát và có giải pháp thực hiện cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 còn nổi lên một số vấn đề khó khăn trong tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ; công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch có nơi, có lúc còn chậm, chưa quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình; việc thực hiện các biện pháp, hướng dẫn của Trung ương chưa được đồng bộ và thống nhất….
Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát dịch bệnh, khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành; xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Xây dựng các kịch bản chi tiết với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến của dịch bệnh…
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Kinh tế sẽ xây dựng hoàn thiện báo cáo thẩm tra, gửi xin ý kiến các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới.