Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của ngôi nhà, ông Ngô Đình Diệm dùng mọi cách để mua cho bằng được. Thế nhưng, mọi cố gắng của vị Tổng thống đều không thành.
Làng Mộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vẫn bình dị như bao làng quê khác ở miền Trung. Thế nhưng nơi đây nổi tiếng bởi có 8 ngôi nhà cổ. Trong đó, phải kể đến ngôi nhà gần 200 tuổi của ông Nguyễn Đình Hoan (56 tuổi).
Dưới cái nắng oi bức của tháng 5, thế nhưng trước cổng ngôi nhà cổ này đã rợp bóng mát bởi những hàng cây xum xuê. Con đường nhỏ, hẹp và dốc dẫn lên ngôi nhà cổ được phủ kín những hàng chè xanh và bờ đá hàng trăm tuổi đã phủ màu rêu phong.
Bà Nguyễn Thị Sương (54 tuổi, vợ ông Hoan) cho biết, chồng bà là đời thứ tư trong căn nhà 3 gian 2 chái này. Nằm chơi vơi giữa một ngọn đồi, ngôi nhà cao hơn những nhà trong làng khoảng 50m. Toàn bộ khuôn viên nhà hơn 4 hecta được bao bọc bởi cây cảnh, hồ cá rất thơ mộng.
Bên trong ngôi nhà cổ còn lưu giữ nhiều vật dụng mà các thế hệ gia đình ông Hoan để lại. “Tôi làm dâu về nhà ông Hoan đã 35 năm rồi. Lúc mới về đây tôi thật sự ấn tượng với ngôi nhà cổ này. Năm 2013, ngôi nhà được Nhà nước trùng tu, thay thế một số thanh gỗ bị mục. Nhiều khi mưa gió, sợ bị dột, ông Hoan lại hì hục che chắn", bà Sương chia sẻ.
Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ mít rừng và có tổng cộng 36 cây cột chính do những người thợ mộc nức tiếng xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam điêu khắc, chạm trổ hơn 10 năm. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoài cổ, ngôi nhà còn được lưu truyền qua nhiều đời nay bởi câu chuyện ông Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua nhưng bất thành.
Ông Hoan cho biết: “Nghe cha tôi kể, đó là vào năm 1939, ông Ngô Đình Diệm vào Nam Ngãi (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi) thăm em trai Ngô Đình Khôi. Hồi ấy nghe tiếng ngôi nhà đẹp nên ông Diệm đã tìm đến xem và hỏi mua”.
“Vì nhà của ông nội để lại nên cha tôi nhất quyết không bán. Không mua được nhà, ông Diệm đành ngậm ngùi ra về nhưng vẫn không từ bỏ ý định”, ông Hoan kể
“Đến năm 1962, khi đã lên làm Tổng thống, ông sai người quay lại mua ngôi nhà này một lần nữa. Hồi ấy, người được lệnh của ông Diệm là Quận trưởng Tiên Phước. Cứ vài ngày Quận trưởng lại gọi cha tôi lên hỏi mua. Hỏi mua không được, hết cách ông Diệm gạ đổi nhà lấy nhà. Ông Diệm bảo cha tôi chọn nhà nào cũng được miễn để lại ngôi nhà cổ này nhưng vẫn không thay đổi được quyết định của cha tôi”, ông Hoan thuật lại.
Thời gian cứ thế trôi qua, năm 2008, bố ông Hoan mất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng ông dặn ông Hoan sau này nếu có tiền thì trùng tu, sửa chữa. Còn không dù nghèo khổ cũng không được bán, cứ để cho nó hư, nó sập.
Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Tiên Phước cho biết: "Tôi cũng đã từng nghe ông Hoan kể về ngôi nhà cổ này. Trong hồ sơ để công nhận di tích đối với ngôi nhà có đề cập chuyện Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua không bán. Đó là câu chuyện có thật chứ không phải chỉ là giai thoại".
Dạo qua một vòng có thể thấy từng ngóc ngách trong ngôi nhà đều được chạm khắc công phu, tinh xảo. Dù thời gian trôi qua nhiều người hỏi mua thế nhưng chủ nhân đời thứ 4 vẫn không bán. Với ông Hoan đây là tài sản vô giá, bởi đó là nguồn cội và kỷ niệm bao đời mà ông cha ông đã để lại...