Cần cân đối, phân bổ ngân sách xây dựng cơ sở vật chất cho Tòa án

Mai Thoa| 22/12/2016 23:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/12, Phiên họp thứ 5, UBTV Quốc hội họp phiên bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đến một số nội dung mà các đại biểu đã thảo luận, xem xét, thông qua tại phiên họp và đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan thực hiện.

Quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn bất cập

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tóm lược một số nội dung mà Phiên họp thứ 5 đã hoàn thành trong những ngày làm việc vừa qua. Trong đó, đáng chú ý, UBTVQH đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về ban hành quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Tư pháp (UBTP) phối hợp với TANDTC, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tổ chức tiếp thu ý kiến tại phiên họp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình UBTVQH xem xét, thông qua.

Cũng trong buổi sáng 22/12, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Theo báo cáo của Chính phủ, do thời gian giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 còn rất ngắn (đến 31/1/2017), một số bộ, ngành Trung ương và địa phương giải ngân quá chậm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải ngân đến 30/11/2016 dưới 50% kế hoạch phải cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài. Với các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, tổng số vốn dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.854,91 tỷ đồng.

Đồng thời, các cơ quan, địa phương giải ngân được từ 80% kế hoạch vốn nước ngoài trở lên (tính đến 30/11/2016), nếu có nhu cầu bổ sung vốn cho các dự án kết thúc Hiệp định trong 2016 và sau năm 2016 đã có khối lượng thực hiện, cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ và đến ngày 31/1/2017 giải ngân được hết số vốn bổ sung thì gửi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Đến nay, đã có 4 Bộ, ngành và 17 địa phương đề xuất bổ sung vốn nước ngoài năm 2016 là 14.235,46 tỷ đồng.

Với dự kiến cắt giảm và bổ sung trên, tổng vốn nước ngoài năm 2016 cần bổ sung là 7.154,91 tỷ đồng, bao gồm số vốn kế hoạch năm 2016 chưa phân bổ là 1.300 tỷ đồng và số vốn không sử dụng hết, đề xuất cắt giảm nêu trên là 5.854,91 tỷ đồng.

Qua thẩm tra, Uỷ ban TCNS đánh giá, trong điều kiện phân bổ vốn chưa sát thực tế, tiến độ giải ngân các dự án khác nhau thì việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh là cần thiết và phù hợp. Bên cạnh nhiều dự án giải ngân chậm, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do nhiều địa phương giải ngân vượt mức kế hoạch được giao và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Cần cân đối, phân bổ ngân sách xây dựng cơ sở vật chất cho Tòa án

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra, có ý kiến khác cho rằng, việc Chính phủ mới chỉ đề xuất điều chỉnh 7.154,91 tỷ đồng là chưa đầy đủ, toàn diện nếu so với toàn bộ phần vốn chưa giải ngân hết theo kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; việc điều chỉnh như phương án Chính phủ trình còn mang tính cơ học... Bởi vì việc cắt giảm, điều chuyển vốn phải căn cứ vào khả năng giải ngân của từng dự án để đảm bảo tính hợp lý, sát thực tế. Nếu cắt giảm vốn chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo tiến độ giải ngân chung của bộ, ngành, địa phương (với số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm là 2.920,14 tỷ đồng) sẽ dẫn đến tình trạng một số dự án đang có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, cần tiếp tục đầu tư, hoàn thành sẽ bị thiếu vốn, dở dang.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, không chỉ năm 2016, công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn nước ngoài những năm qua còn nhiều bất cập, chưa sát với tình hình thực tế. Tình trạng giải ngân chậm diễn ra triền miên trong khi một số nơi giải ngân vượt mức vốn bố trí chưa được làm rõ nguyên nhân. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân, giải trình rõ và có giải pháp chấn chỉnh, cải thiện tình hình từ năm 2017.

Trụ sở làm việc của Tòa án, Viện Kiểm sát đang thiếu

Trước đó, UBTVQH cũng đã thảo luận, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11).

Theo đó, Nghị quyết quy định nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tổ chức lập; nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, Kiểm toán trong việc thẩm tra, xem xét trình Quốc hội quyết định về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm VKSNDTC, TANDTC và một số cơ quan, tổ chức hữu quan khác vào Điều 2 để có cơ sở thẩm tra các báo cáo tài chính - ngân sách Nhà nước của Chính phủ liên quan đến dự toán thu, chi của hệ thống Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan này. Do vậy đã bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về đối tượng áp dụng, trong đó có: TANDTC, VKSNDTC, Văn phòng Chủ tịch nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đồng thời, bổ sung thêm các đơn vị nêu trên vào các điều, khoản khác có liên quan trong dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, đáng chú ý dự thảo Nghị quyết quy định về sự phối hợp của Ủy ban TCNS với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi thẩm định vấn đề tài chính. Đồng tình với quy định này song các đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn nữa về trình tự, cơ chế phối hợp và triển khai giữa hai cơ quan trong trình tự lập và thẩm tra ngân sách cho các đối tượng thuộc lĩnh vực giám sát của những cơ quan này.

Về việc phân bổ vốn và kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, đến nay vẫn còn khoảng trên, dưới 30 trụ sở TAND, VKSND cấp huyện vẫn phải đi thuê, thậm chí có những giai đoạn đi thuê ở nhà dân. Do vậy, cần xem xét nguồn vốn đầu tư cho những cơ quan này nhằm đảm bảo cơ sở vật chất để các cơ quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp thu từng bước vấn đề về phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra; đề nghị sửa lại cho đúng tên các báo biểu theo đúng quy định của luật. Về việc xây dựng 30 trụ sở của Tòa án cấp huyện, đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT lưu ý, cân nhắc theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội.

 Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế này đã được 100% Ủy viên UBTVQH biểu quyết, nhất trí thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cân đối, phân bổ ngân sách xây dựng cơ sở vật chất cho Tòa án