Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực phía Nam lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Tú, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động chưa thể hiện rõ chính sách dự phòng như dự phòng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, cần bổ sung một số nguyên tắc dự phòng, tách riêng phần kiểm soát các yếu tố nguy hiểm và kiểm soát các yếu tố có hại. Từ Điều 25-27 trong Mục 3 thuộc Chương II của dự thảo này có quy định về quản lý sức khỏe chủ yếu đối với người sử dụng lao động; tuy nhiên, đối với các tổ chức dịch vụ chưa rõ ràng dẫn đến hậu quả lãng phí cho doanh nghiệp, lộn xộn và không hiệu quả như thời gian qua. Do đó, cần chi tiết hơn về nguyên tắc để các văn bản hướng dẫn có cơ sở. Mặt khác, trong Bộ luật cần phải bổ sung thêm chương về quản lý sức khỏe, dự phòng bệnh nghề nghiệp, từ việc tách Mục 3 “Chế độ bảo hộ, chăm sóc sức khỏe người lao động” và bổ sung thêm về dự phòng bệnh nghề nghiệp.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động đề nghị, ban soạn thảo Luật này cần cân nhắc bổ sung quy định chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp khi đã chuyển công việc và người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp sau khi đã nghỉ việc theo chế độ hưu trí. Đồng thời có chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc đối với nhóm lao động thuộc ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động.
Liên quan đến vấn đề thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị có tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp Bộ, tỉnh và huyện. Lý do là khi Luật An toàn vệ sinh lao động mở rộng phạm vi điều chỉnh đến khu vực không có quan hệ lao động thì cần bổ sung lực lượng thanh tra để tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác này. Đồng thời bổ sung các quy định tạo cơ chế hỗ trợ hai chiều giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động của các cơ quan nhà nước và hoạt động giám sát về vấn đề này của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, nhất là cơ chế xử lý các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hệ thống đánh giá rủi ro an toàn lao động tại hội thảo, bà Ingrid Christensen, chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế tại Bangkok nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trong các vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động ở nơi làm việc. Bà Ingrid Christensen cũng khuyến nghị một Bộ luật về An toàn, vệ sinh lao động cần có điều khoản chung về việc thực hiện đánh giá rủi ro và áp dụng các biện pháp kiểm soát theo nguyên tắc phân cấp kiểm soát. Đồng thời có điều khoản đặc biệt về đánh giá rủi ro đối với công việc ngoài quan hệ lao động.
Đánh giá về dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động lần này, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam Vũ Như Văn cho rằng, bản dự thảo đã được soạn thảo sát với thực tế của Việt Nam và khá phù hợp với các Công ước quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần phổ biến, hướng dẫn và triển khai cụ thể, nghiêm túc sau khi Luật được Quốc hội thông qua để đảm bảo tính khả thi, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm an toàn môi trường làm việc của người lao động.