Cần bổ sung chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Hương Lan| 05/06/2015 08:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với những chế độ, chính sách của Nhà nước, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn muốn đạt được kết quả tốt phải dựa vào cộng đồng.

Bổ sung một số nhóm đối tượng

Theo quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng.

Các đối tượng này bao gồm 10 nhóm trẻ: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em khuyết tật, tàn tật; Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; Trẻ em phải làm việc xa gia đình; Trẻ lang thang; Trẻ em bị xâm hại tình dục;  Trẻ em nghiện ma tuý;  Trẻ em vi phạm pháp luật.

Hiện nay cả nước có trên 400 cơ sở chăm sóc tập trung các đối tượng xã hội trong đó có trên 300 cơ sở của Nhà nước và trên 100 cơ sở do các tổ chức xã hội, tôn giáo, tư nhân thành lập, nuôi dưỡng khoảng 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương từng bước chuyển đổi từ mô hình chăm sóc tập trung sang mô hình gia đình chăm sóc thay thế hoặc nhà xã hội nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn, khả năng hòa nhập cộng đồng thuận lợi hơn và chi phí cũng đỡ tốn kém hơn (chăm sóc tập trung tốn kém gấp 7 lần chăm sóc thay thế tại gia đình). Mô hình gia đình chăm sóc thay thế cũng rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như cho con nuôi quốc tế, trong nước, nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu.

Để đảm bảo quyền lợi của trẻ em, theo ý kiến của các chuyên gia, khi sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần bổ sung một số nhóm trẻ em thuộc đối tượng như: Trẻ em di cư, trẻ em bị buôn bán, trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích. 

Cần bổ sung chính sách đối với  trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương

Với trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nguồn nuôi dưỡng dù sống với gia đình chăm sóc thay thế hay sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập hay ngoài công lập đều cần được Nhà nước trợ giúp và trợ cấp xã hội. Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng nuôi dưỡng hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thuộc diện nghèo hay thu nhập thấp thì được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước và chính sách trợ giúp về cấp thẻ bảo hiểm hiểm y tế miễn phí; chính sách về miễn giảm học phí và các chính sách trợ giúp hiện hành khác.

Với trẻ em khuyết tật nặng được Nhà nước trợ cấp xã hội, trợ giúp về chăm sóc, trợ giúp tiếp cận về y tế, giáo dục; Những trẻ em khuyết tật còn lại được trợ giúp khi gặp khó khăn không tự bảo đảm được cuộc sống hoặc thuộc nhóm thu nhập thấp thì cần trợ giúp trong một khoảng thời gian nào đó. Đối với trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cần có quy định và chính sách cụ thể hỗ trợ các em được tiếp cận giáo dục.

Mặt khác, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách về y tế, giáo dục và một số chính sách xã hội cho một số nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: trẻ em di cư; trẻ em bị buôn bán, bắt cóc; trẻ em bị bạo lực; trẻ em bị tai nạn thương tích được hưởng.

Dựa vào cộng đồng

Cùng với những chế độ, chính sách của Nhà nước, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn muốn đạt được kết quả tốt phải dựa vào cộng đồng. Với chủ trương đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định, đề án, kế hoạch chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020.

 Mục tiêu, yêu cầu đặt ra là huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, trợ giúp để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước nâng cao mức sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phát triển và nhân rộng các mô hình như: Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn; mô hình cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ tự kỷ, bị mắc down, bị thiểu năng trí tuệ; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ; mô hình nhà tạm lánh để tiếp nhận chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa...

Cùng với xây dựng các mô hình, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, nhất là chính sách về an sinh xã hội, học nghề và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để hòa nhập cộng đồng. Tích cực huy động mọi nguồn lực trong xã hội và nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác này. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức nhân đạo, từ thiện, phi chính phủ quốc tế và trong nước tham gia các hoạt động trợ giúp, chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại.

Một vấn đề quan trọng khác là đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, tránh tai nạn thương tích, dịch bệnh, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực... Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu, văn nghệ, thể thao giữa trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ em khác để tăng cường sự tự tin, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bổ sung chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn