Giáo viên, tổ chuyên môn của các trường phổ thông đang nghiên cứu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, để đề xuất danh mục trường mong muốn lựa chọn, phục vụ công tác tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh.
Đó là thông tin mà đại diện ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang cho biết, tại buổi kiểm tra công tác dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) và chuẩn bị triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại tỉnh Tuyên Quang.
Tiếp tục nêu cao vai trò của giáo viên, nhà trường trong lựa chọn SGK
Theo như chia sẻ của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang – ông Vũ Đình Hưng cho biết, công tác chuẩn bị triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6, báo cáo đoàn công tác, Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Đình Hưng cho biết, các trường học của Tuyên Quang đã bố trí đội ngũ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm 2021-2022 và tiến hành tập huấn.
UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6. Tài liệu giáo dục địa phương cho hai lớp học này đang được biên soạn và dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2021 để UBND tỉnh thẩm định, trình Bộ GD-ĐT phê duyệt, kịp thời gian áp dụng cho năm học mới.
Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, UBND tỉnh đã ban hành và kiện toàn các văn bản theo Thông tư 25 Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Công tác giới thiệu và tập huấn sử dụng sách giáo khoa đang được Sở GD-ĐT phối hợp với các nhà xuất bản thực hiện. Hiện nay, giáo viên, tổ chuyên môn của các trường phổ thông Tuyên Quang đang nghiên cứu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, đề xuất danh mục trường mong muốn lựa chọn, phục vụ công tác tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh.
Theo hướng dẫn tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong công văn số 873 mới được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 05/3/2021, chúng tôi đã chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, đánh giá các bản mẫu sách giáo khoa để đề xuất với tổ chuyên môn lựa chọn theo quy định.
“Mỗi giáo viên theo đó sẽ có bản nhận xét chi tiết cái được, chưa được của từng sách giáo khoa trong môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Các nhà trường khi đề xuất danh mục sách giáo khoa cũng phải lý giải rõ vì sao sách đó phù hợp với điều kiện thực hiện của nhà trường, địa phương”, Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang nói.
Cũng tại buổi làm việc lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã gỡ rối những băn khoăn về việc UBND tỉnh có thể lựa chọn danh mục sách giáo khoa khác danh mục nhà trường đã sử dụng trong năm học trước,.
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết CT GDPT 2018 có thay đổi căn bản là dạy học theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa như trước đây. Chương trình mới đặt ra yêu cầu cần đạt cho từng lớp học. Các lớp trên sẽ học theo ngữ liệu hoàn toàn mới và tiếp cận một chuẩn đầu ra - yêu cầu cần đạt mới.
Ông Tài nói thêm: “Theo nguyên lý quản lý chương trình về mặt chuyên môn thì lớp 1 học sinh học sách giáo khoa này, lên lớp 2 học sách giáo khoa khác, vẫn không ảnh hưởng gì. Bản thân giáo viên khi dạy sách giáo khoa mà nhà trường lựa chọn, vẫn có quyền sử dụng sách giáo khoa của nhiều bộ khác để xây dựng thành kế hoạch bài giảng riêng, phù hợp với học sinh”.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 với 32 đầu sách của 9 môn học/hoạt động giáo dục, thuộc 3 bộ sách giáo khoa do các đơn vị xuất bản biên soạn.
Căn cứ trên danh mục phê duyệt này, các địa phương tiến hành lựa chọn sách giáo khoa. Riêng sách giáo khoa lớp 1, năm học 2021-2022, các đơn vị xuất bản vẫn tái bản đầy đủ 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để địa phương lựa chọn sử dụng.
Công tác lựa chọn sách vô cùng quan trọng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, khác với năm trước là từng nhà trường được quyền quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình;
Từ năm 2021, quyết định lựa chọn sách thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Dù thay đổi thẩm quyền quyết định nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh, từng nhà trường, giáo viên vẫn phát huy được vai trò, chính kiến trong hoạt động lựa chọn sách giáo khoa.
Thông tư 25 Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và văn bản 873 đã hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông trong quy trình lựa chọn sách.
Đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu ngành giáo dục Tuyên Quang đã đạt được trong quá trình triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới GDPT cho cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo địa phương, Sở/ngành, cơ sở GDPT, đến từng cán bộ, viên chức, giáo viên…
Trong công tác chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị phải đảm bảo “3 đủ” là: số lượng, cơ cấu, chất lượng. “Tuyên Quang hiện thiếu khoảng 4.000 giáo viên nhưng vẫn cần ưu tiên bố trí đủ số lượng và đảm bảo chất lượng đội ngũ tốt nhất cho việc dạy học lớp 6. Giáo viên phải nắm chắc chương trình, được tập huấn bài bản, kỹ lưỡng về những điểm mới trong nội dung, mục tiêu, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, yêu cầu cần đạt của CT GDPT 2018. Cán bộ quản lý từ bây giờ phải nắm trong tay danh sách giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học và quán triệt, động viên thầy cô thực hiện tốt CT GDPT mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các Hiệu trưởng trường phổ thông, cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng phải nắm chắc chương trình, các yêu cầu của đổi mới, để không trở thành rào cản cho giáo viên.
Một trong những thay đổi căn bản của CT GDPT 2018 so với chương trình hiện hành là cơ sở GDPT xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường riêng, thay vì “đồng phục” cả nước như phân phối chương trình hiện hành. Công văn 4612 (năm 2017) và công văn 5512 Bộ GDĐT ban hành năm 2020 đã hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch giáo dục này. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các nhà trường nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện hiệu quả.
Lãnh đọa Bộ GD-ĐT nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của CT GDPT 2018, cũng như hướng tới việc công nhận trường chuẩn quốc gia. Các hoạt động dạy học trong thời gian hiện nay cần được tiếp tục thực hiện trên tinh thần đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.