Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đưa ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, diễn ra hôm qua (17/3).
Làm chuyên trách Quốc hội ở Trung ương, ở địa phương thì phải trúng cử ĐBQH
Tại Hội nghị, qua báo cáo tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XIV của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, tổng số đại biểu của khối cơ quan Trung ương được phân bổ ứng cử ĐBQH khóa XIV là 198 đại biểu, các cơ quan đã giới thiệu được 197 đại biểu. Trong đó, có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm từ 97,6% đến 99,3%.
Theo Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, 197 hồ sơ trên đều hợp lệ theo quy định. Theo đó, Hội nghị đã biểu quyết nhất trí thông qua Danh sách sơ bộ 197 người ứng cử ĐBQH khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Trong danh sách này, khối Quốc hội chỉ giới thiệu được 113 người, trong khi cơ cấu phân bổ là 114 đại biểu, thiếu 1 đại biểu. Trong khối này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (được Trung ương nhất trí giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch Quốc hội) tái ứng cử, các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu tái ứng cử.
Ngoài ra trong danh sách khối Quốc hội cũng xuất hiện tên các ông: Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Đối ngoại của QH; Đỗ Văn Đương, Ủy ban Tư pháp của QH; Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban kinh tế của QH; Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: TH)
Cũng tại Hội nghị, liên quan đến việc một số đại biểu đề nghị công bố những vị trí nhân sự mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giải thích cụ thể, tại Đại hội XII và Hội nghị Trung ương 2, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Nhân sự làm công tác ở địa phương hay ở Trung ương, Quốc hội... đều đã được chuẩn bị kỹ nhưng chưa thể công bố vì phải đợi Quốc hội bầu và phê chuẩn. Tiêu chuẩn nhân sự ĐBQH chuyên trách càng phải ngặt nghèo hơn. Có những nhân sự được giới thiệu nhưng phải trúng ĐBQH mới được giữ vị trí.
“Đây mới là việc Đảng chuẩn bị, chưa công bố được vì chưa tiến hành bầu cử. Đây mới chỉ là Đảng chuẩn bị, còn phải xem dân có tín nhiệm bầu. Danh sách những người hoạt động chuyên trách ở Quốc hội thì còn phải ngặt nghèo hơn. Có những vị trí lãnh đạo phải trúng ĐBQH mới được giữ. Có những vị trí Bộ trưởng không trúng Quốc hội vẫn có thể làm Bộ trưởng, nhưng đã làm chuyên trách Quốc hội ở Trung ương, ở địa phương thì phải trúng cử ĐBQH mới được giữ”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Lấy ý kiến nhận xét cử tri nơi cư trú người ứng cử ĐBQH từ 20/3 đến 12/4
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ gửi biên bản Hội nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong ngày 18/3; gửi danh sách sơ bộ những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử ĐBQH đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh nơi người ứng cử ĐBQH cư trú thường xuyên để tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH được thực hiện từ 20/3 đến 12/4/2016.
Sau khi có văn bản điều chỉnh lần hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV và kết quả hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét, tín nhiệm đối với người ứng cử, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV.