Sinh thời Bác Hồ bao giờ cũng yêu cầu tăng cường giáo dục cán bộ đảng viên rồi mới đến quần chúng. Người còn đòi hỏi cán bộ phải học tập nhân dân từ đạo đức lối sống đến nếp ăn, nếp ở.
Phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay là kế thừa, phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Đây chính là kế sách dùng người. Phát huy truyền thống và kế sách dùng người của tiền nhân để lại, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công đào tạo, huấn luyện xây dựng được một đội ngũ cán bộ trung thành với Tổ quốc và dân tộc, tận tụy kiên cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện.
Người nhấn mạnh, đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy để có đội ngũ cán bộ tốt Đảng cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, phải coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, phải biết lựa chọn, đánh giá, sử dụng và đối xử đúng với cán bộ trong mỗi một người có ích cho công việc chung”.
Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước.
Suốt nhiệm kỳ vừa qua, các văn kiện và phát biểu của lãnh đạo Đảng luôn có cụm từ nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất” nhưng chưa bao giờ chỉ ra được bộ phận không nhỏ này là ai, làm gì, ở đâu? Công cuộc chống tham nhũng nặng về hô hào được ví như con hổ không răng, không móng vuốt nên cũng chưa chống được đến nơi đến chốn.
Ôn lại lời dạy của Người, soi rọi vào thực tế mới thấy vì sao câu chuyện “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lại làm nóng dư luận như vậy. Câu trả lời của cơ quan chức năng là “việc cả họ làm quan” đều đúng quy trình. Huyện có 13 đơn vị, thì ở 10 đơn vị có “người nhà” lãnh đạo chủ chốt của huyện nắm giữ, vậy mà vẫn cho là đúng thì dân chúng “bó tay”…
Một chuyên gia xã hội học cho rằng cần giáo dục thói quen biết từ chối trong đạo làm quan. Người có tâm, có tầm bao giờ cũng thực hành vì dân vì nước, để chọn lựa chấp nhận hay từ chối!