Cấm lợi dụng chức vụ chiếm giữ trái phép tài sản công

Mai Thoa| 21/06/2017 16:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với tỷ lệ 86,35% số đại biểu có mặt tán thành, sáng nay 21/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) và một số Luật, Nghị quyết.

Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc xử lý nợ xấu trên nguyên tắcbảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống và không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Cấm lợi dụng chức vụ chiếm giữ trái phép tài sản công

Nghị quyết cũng quy định, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Cũng với đó, việc xử lý tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu cũng được quy định cụ thể. Đồng thời quy định các thủ tục mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án..

Về nợ xấu, trước khi QH biểu quyết thông qua, nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi nợ xấu cần xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hiệu của Nghị quyết để thống nhất các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tối đa nợ xấu.

Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016 để nâng cao trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, do có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH về 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý.

”Kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số ĐBQH”, ông Thanh báo cáo trước QH.

Sau khi cân nhắc, theo UBTVQH, đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017.

Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.

Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.

UBTVQH cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các tổ chức tín dụng có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017.

Theo đó, QH thống nhất quyết, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 được xác định theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết.

Trường hợp cần thiết, UBTVQH xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.

Cấm lợi dụng chức vụ chiếm giữ tài sản công

Với 93,69% tổng số đại biểu tán thành, dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) gồm 134 điều đã được QH thông qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2018.

Theo đó, Luật quy định rõ việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng và được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật....

Luật bổ sung quy định việc giao đất xây dựng trụ sở làm việc phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức và quỹ đất của địa phương.

Cấm lợi dụng chức vụ chiếm giữ trái phép tài sản công

Để đảm bảo chặt chẽ, tránh việc lợi dụng đầu tư dư thừa công năng, công suất để đưa vào kinh doanh tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Dự thảo luật đã quy định việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức; không cho phép đầu tư xây dựng mới tài sản từ ngân sách nhà nước chỉ sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đối với trường hợp dư thừa công suất khi đưa vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Ngoài ra, việc cho phép đưa vào khai thác đối với tài sản trên sẽ phù hợp với lộ trình thực hiện chuyển phí, lệ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... và phù hợp với lộ trình thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công.

Để quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, quy định cấm lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.  Sử dụng xe ô tô và các tài sản công khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật...

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Một trong những điểm đáng chú ý là cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản công khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm lợi dụng chức vụ chiếm giữ trái phép tài sản công