Văn hóa- Thể thao

Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Trở ngại lớn nhất trong nghệ thuật calligraphy là vượt qua chính mình”

Mai Linh - Minh Tiến - Trần Quỳnh 02/01/2025 - 12:26

Đào Huy Hoàng - một nghệ nhân thư pháp trẻ tuổi đầy tài năng, đã chọn calligraphy làm ngôn ngữ để kể câu chuyện của mình – câu chuyện về đam mê, sự sáng tạo và khát vọng bảo tồn giá trị truyền thống. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng người nghệ sĩ tài hoa này, để hiểu hơn về hành trình khám phá nét đẹp của từng con chữ.

Với tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật chữ viết tay, Đào Huy Hoàng (sinh năm 1993, tốt nghiệp khoa Kinh tế - Quốc tế, Đại học Ngoại thương) đã trở thành người tiên phong đưa nghệ thuật calligraphy (chữ viết thư pháp hiện đại) đến gần hơn với công chúng Việt Nam.

Từ những đường nét đầu tiên, Hoàng nhanh chóng ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Anh xuất hiện trên các báo, tạp chí uy tín tại Thái Lan, Mỹ và là giảng viên được chào đón tại 5 quốc gia Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Không chỉ là một người thầy, Hoàng còn là một nghệ sĩ đầy sáng tạo với những dự án đẳng cấp. Anh đã mang dấu ấn cá nhân vào thiệp mời của thương hiệu thời trang danh tiếng Gucci, thiết kế bìa sách cho Barnes & Noble – biểu tượng văn hóa Mỹ, và thực hiện nhiều tác phẩm cho các nhà hàng quốc tế…

Hành trình của Đào Huy Hoàng là minh chứng cho sức mạnh của đam mê và sự sáng tạo, đưa nghệ thuật calligraphy Việt Nam hòa nhịp cùng thế giới. Anh đã không ngừng khẳng định rằng, từ những nét bút nhỏ bé, một nghệ sĩ có thể mang bản sắc Việt Nam vươn ra thế giới, hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật toàn cầu.

PV: Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế - Quốc tế, Đại học Ngoại Thương, đâu là khoảnh khắc khiến anh quyết định rẽ hướng từ lĩnh vực kinh tế sang nghệ thuật thư pháp?

Đào Huy Hoàng: Tôi bắt đầu hoạt động calligraphy vào năm nhất đại học. Khi ấy, bộ môn nghệ thuật này chưa phổ biến, tài liệu học tập chủ yếu đến từ internet. Vì không tham gia các câu lạc bộ trên trường, tôi có nhiều thời gian để tập trung vào các hoạt động nghệ thuật cá nhân. Đến năm ba đại học, tôi có cơ hội đi dạy và thử sức trong việc làm ra những chiếc bút viết theo ý mình.

Khi sắp tốt nghiệp đại học, tôi nhận được lời mời dạy calligraphy tại Singapore và Indonesia. Đó là khoảng thời gian tôi khá băn khoăn, đứng giữa hai lựa chọn, tiếp tục theo đuổi nghệ thuật và một công việc văn phòng ổn định theo ý gia đình. Cuối cùng, tôi đã quyết tâm chọn calligraphy và theo đuổi nó đến tận bây giờ.

PV: Khi mới bắt đầu theo đuổi nghệ thuật calligraphy mà không có sự hướng dẫn, trường lớp bài bản hay sự đồng hành từ bạn bè, anh đã đối mặt với những khó khăn và cảm xúc như thế nào?

Đào Huy Hoàng: Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công cụ viết phù hợp. Không còn cách nào khác, tôi phải tận dụng những gì sẵn có như mực viết máy, bút ngòi mài hay tự vót tre làm bút. Việc học chủ yếu dựa vào các video và sách hướng dẫn tìm thấy trên mạng.

Có thời điểm, tôi cảm thấy vô cùng nản lòng vì viết mãi mà không tiến bộ. Cũng không biết mình sai ở đâu để sửa, tôi quyết định đăng bài lên Instagram, một phần để chia sẻ đam mê, phần khác hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng những người yêu thích calligraphy trên thế giới.

PV: Đối với anh, điều gì làm nên sự khác biệt giữa mộttác phẩm calligraphy đơn thuần và một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao?

Đào Huy Hoàng: Đối với tôi, một tác phẩm calligraphy đẹp không chỉ phản ánh sự khổ luyện của người viết mà còn ẩn chứa nét tinh tế trong từng chi tiết. Đó là sự kết hợp giữa tính tỉ mỉ và khả năng nhìn nhận tổng thể. Người viết phải cân đối giữa những gì cần giữ lại và những gì nên lược bỏ để tạo nên bố cục hài hoà.

316-202501021220592.jpg
Từng đường nét của tác phẩm thể hiện sự tài hoa và khéo léo của nghệ sĩ trẻ. Ảnh: NVCC.

PV: Quá trình thực hiện một tác phẩm calligraphy đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân. Vậy anh thường lấy cảm hứng từ đâu để tạo nên những tác phẩm độc đáo của mình?

Đào Huy Hoàng: Cảm hứng sáng tạo của tôi khởi phát từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống cho đến những giá trị văn hoá. Tôi đặc biệt yêu thích hội họa truyền thống châu Á với sự tinh tế và chiều sâu nghệ thuật được thể hiện qua từng đường nét. Chính vì vậy, các tác phẩm calligraphy của tôi thường kết hợp những chất liệu truyền thống này, mang đến sự giao thoa độc đáo giữa nét cổ điển và phong cách hiện đại.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á sử dụng chữ Latinh làm chữ viết chính thức. Điều này làm khơi nguồn cảm hứng phong cách Đông Dương xưa trong các tác phẩm của tôi, một sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá phương Đông và phương Tây. Từ đó, tôi không chỉ tìm cách tái hiện vẻ đẹp của truyền thống mà còn khám phá những cách thể hiện mới mẻ trong các sáng tác của mình.

316-202501021220593.jpg
Nghệ sĩ Đào Huy Hoàng tại triển lãm cá nhân “Big Cats of Asia”, được tổ chức vào tháng 12 năm 2022.

PV: Nghề nào cũng có sự cạnh tranh. Với anh, sự cạnh tranh trong lĩnh vực chế tác bút mang lại động lực hay áp lực nhiều hơn?

Đào Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng cạnh tranh trong nghệ thuật không giống như trong kinh doanh. Trong nghệ thuật, trở ngại lớn nhất là vượt qua chính mình, không ngừng học hỏi và cải thiện để tiến bộ mỗi ngày. Sự phát triển trong lĩnh vực này là một hành trình khám phá và hoàn thiện chính mình.

Điều cốt yếu là luôn duy trì tinh thần học hỏi, luôn tìm kiếm những cơ hội để cải thiện và làm tốt hơn những gì mình đã làm trước đó. Mỗi tác phẩm, mỗi bước đi trong hành trình sáng tạo đều là cơ hội để nâng cao kỹ năng và hiểu biết. Đừng quá tập trung vào việc so sánh hay ganh đua với những người xung quanh, bởi trong nghệ thuật, sự tiến bộ cá nhân mới là yếu tố quyết định. Trong nghệ thuật, sự tiến bộ cá nhân mới là yếu tố quan trọng nhất. Hãy tập trung vào việc làm tốt hơn chính mình, thay vì cố gắng vượt qua người khác.

PV: Anh đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của nghệ thuật calligraphy tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và giao thoa văn hóa hiện nay?

Đào Huy Hoàng: Tôi tin rằng trong tương lai, calligraphy sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Tuy nhiên, để phát triển bộ môn này, mọi người không chỉ nên dừng lại ở việc tiếp thu những kiến thức cơ bản, mà cần kiên trì nghiên cứu và luyện tập một cách sâu sắc để cảm nhận trọn vẹn và làm chủ từng nét chữ.

Trong thời đại thông tin nhanh chóng, việc dành thời gian tập trung vào một bộ môn đòi hỏi sự tỉ mỉ như calligraphy không phải là điều dễ dàng. Việc kiên trì luyện tập không chỉ giúp nâng cao kỹ năng viết mà còn rèn luyện sự tập trung và kiên nhẫn, mang lại một không gian sáng tạo và bình yên giữa cuộc sống xô bồ.

PV: Theo anh, nghệ thuật calligraphy có vai trò như thế nào trong việc lưu giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại?

Đào Huy Hoàng: Mọi loại hình nghệ thuật đều là tiếng nói của người nghệ sĩ, là phương tiện để truyền tải những cảm xúc, giá trị và thông điệp đến cộng đồng. Nghệ thuật không chỉ thể hiện tài năng mà còn là quá trình khổ luyện, đòi hỏi sự kiên trì và đam mê.

Chính vì vậy, thực hành nghệ thuật không chỉ giúp phát triển bản thân mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi, giúp gìn giữ bản sắc và truyền thống cho các thế hệ sau. Calligraphy cũng mang trong mình sứ mệnh đó, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời mở ra cơ hội để khám phá những giá trị mới trong nghệ thuật.

Xin chân thành cảm ơn anh Đào Huy Hoàng vì những chia sẻ ý nghĩa!

Calligraphy (Thư pháp) là nghệ thuật viết chữ đẹp, nơi từng nét chữ được thiết kế tinh tế, mang đậm tính thẩm mỹ và ý nghĩa. Không chỉ đơn thuần là cách viết, calligraphy là sự kết hợp giữa kỹ năng, sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân, tạo nên những tác phẩm độc đáo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Trở ngại lớn nhất trong nghệ thuật calligraphy là vượt qua chính mình”