Mới đây, tại buổi làm việc với Trường ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã trao đổi nội dung chuyên đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Bên cạnh nội dung báo cáo chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các thách thức trong quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam với hơn 500 giảng viên, sinh viên Trường đại học Kinh tế-Luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề cập đến sâu đến chế định Hội thẩm nhân dân (HTND) trong CCTP.
Theo Chánh án, một trong những vấn đề liên quan đến CCTTP trong xây dựng Nhà nước pháp quyền là cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đây là cơ chế cho phép người dân thực hiện quyền lực nhà nước và giám sát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chế định HTND mà Việt Nam đang sử dụng có những hạn chế nhất định.
Trên thực tế, HTND chủ yếu là các điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán đã về hưu. Vì thế, họ vẫn chưa đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân. Song, nếu để những người hành nghề khác làm HTND thì sẽ xảy ra tình trạng phụ thuộc vào ý kiến của Thẩm phán vì những người này chưa đủ kiến thức chuyên sâu để có thể giải quyết đúng đắn vụ án. Thẩm quyền giao cho HTND như vậy là vượt quá năng lực, dẫn đến một gánh nặng quá lớn.
Bên cạnh đó, hiện nay các chính sách về chế tài và bảo vệ cho các HTND vẫn chưa được hoàn thiện. Nếu so sánh giữa hai chế định HTND và Bồi thẩm đoàn, thì cơ chế đối với Bồi thẩm đoàn có khác, những người này chỉ cần phải “xác định sự thật của vụ án” từ các bằng chứng tại phiên tòa chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ vượt quá hiểu biết như xác định tội danh, hình phạt…Vậy nên, liệu Việt Nam có nên thay đổi cơ chế HTND như hiện tại hay không, Chánh án nêu vấn đề và hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ có những đóng góp để phát triển và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử từ các kinh nghiệm quốc tế.
Viện sĩ-PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng những bước tiến và thành quả cải cách tư pháp ở Việt Nam trong 20 năm qua là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong các quy định liên quan đến tòa án. Đơn cử như hiện nay, các quy định về tố tụng đề cập đến việc tòa án thu thập chứng cứ nhưng điều này là không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Bởi lẽ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là của cơ quan điều tra, VKS; trong các vụ án dân sự là của nguyên đơn, bị đơn… Tòa án chỉ nên dựa vào những bằng chứng mà các bên cung cấp để xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết.
Đồng ý với quan điểm của PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết sắp tới sẽ tiến hành xóa bỏ quy định Tòa án thu thập chứng cứ.
Ngoài ra, liên quan đến hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đưa ra bốn đề xuất để các nhà làm luật nghiên cứu: Chế định thỏa thuận nhận tội; Tăng nghĩa vụ giải trình, giảm nghĩa vụ chứng minh; Loại bỏ nghĩa vụ chứng minh về “hậu quả” trong một số tội phạm; Loại bỏ nghĩa vụ chứng minh về “động cơ, mục đích” trong một số tội phạm (ví dụ Tội nhận hối lộ…).
Lý giải cho những đề xuất trên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết việc chứng minh tội phạm tham nhũng, hối lộ trong một số trường hợp là rất khó khăn. Việc buộc cơ quan có thẩm quyền chứng minh tính bất hợp pháp của nguồn gốc số tiền (làm cơ sở để buộc tội) là không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn trong một số trường hợp.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã xác định cần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Do vậy, cần tập trung các mục tiêu cụ thể như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp; Xác định đúng thẩm quyền của tòa án; Phân định rõ nhiệm vụ xét xử các cấp; Xây dựng tòa án điện tử; Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; Nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử… là rất cần thiết.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nội dung mà đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu ra rất quan trọng, gợi mở cho các thầy cô, nghiên cứu sinh, học viên cao học, các bạn sinh viên những vấn đề từ lý luận, thực tiễn đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.
PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn và hy vọng sẽ gợi mở, là những tiền đề, những định hướng quan trọng để các thầy cô, nghiên cứu sinh, cao học, sinh viên suy nghĩ, nhận thức và xây dựng cho mình một chương trình, một định hướng nghiên cứu lâu dài. Đồng chí cho rằng, hơn ai hết, chính các bạn nghiên cứu sinh, cao học, những bạn sinh viên ngành luật sẽ là những con người cụ thể, hiện thực hóa các định hướng mà đồng chí Chánh án TANDTC đã trình bày.