Cũng khá lâu rồi mới có một sự kiện khiến dư luận bàn tán nhiều đến thế. Nhưng, thay vì tranh luận về một đề tài mang tính học thuật thì đa số người ta lại dùng lời lẽ mạt sát, chửi bới gay gắt.
Đó là câu chuyện xoay quanh nghiên cứu đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông.
PGS.TS Bùi Hiền đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành, bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z và thay đổi 11 chữ cái hiện có trong bảng chữ cái hiện hành.
PGS.TS Bùi Hiền và đề xuất cải cách chữ viết gây "sốc" (Ảnh: Zing.vn)
Theo đề xuất cải cách trên, chữ viết hiện tại sẽ thay đổi một cách đáng kể về mặt ngữ âm, mĩ học. Nếu nhìn lần đầu, nhiều người sẽ không nhận ra đó chính tiếng Việt và cảm thấy khó chịu, bức xúc.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi dư luận phản ứng rất gay gắt về đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền.
Người ta chỉ trích, ném đá không thương tiếc vị PGS đã bước qua tuổi 80. Nhiều người nói ông "bị điên", "rửng mỡ", cho rằng ông là "tiến sĩ giấy", không có việc gì làm nên "sinh tật".
Nhiều người sau khi xem qua một số ví dụ của PGS Bùi Hiền trong bài viết "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" in tại cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí phát hành đã thốt lên: "PGS.TS mà lại đi học ngôn ngữ của đám trẻ trâu". Nhiều người nghi ngại: "Nếu đề xuất này được chấp nhận thì cả nước trở thành mù chữ và đi học lại lớp 1".
Rõ ràng đa phần người dân phản đối nghiên cứu của ông Hiền. Phản đối bởi vì họ thấy "khó nhằn" với cách viết mới như đề xuất của ông. Nó quá lạ lẫm mà người Việt thì không có thói quen thay thế cái vốn dĩ đã quen thuộc bằng một thứ đầy rắc rối.
Thế nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức chuyên môn để phản biện lại những đề xuất ấy. Và để giải tỏa, người ta thường...chửi bới, mạt sát. Và họ nghiễm nhiên cho rằng đó là tranh luận.
Đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là đề xuất không mới và khá nhạy cảm trong thời điểm hiện tại. Bình tĩnh để đánh giá có thể thấy, việc cải cách những bất cập của tiếng Việt cả trước mắt lẫn lâu dài đều khó khả thi.
PGS Bùi Hiền chỉ đưa ra những lập luận về sự bất hợp lý, bất tiện của tiếng Việt và cho rằng, nhiều cách viết hiện tại dễ gây hiểu lầm, mất thời gian. Ông khẳng định, cách viết mà ông đang nghiên cứu sẽ nhanh hơn và tiết kiệm hơn nhiều.
Không biết PGS Bùi Hiền tính toán sự tiết kiệm trên các lĩnh vực nào nhưng chắc chắn ông chưa có đánh giá về những hệ lụy khi cải cách toàn diện tiếng Việt như vậy. Chữ viết liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đương nhiên khi thay đổi cách viết, thay đổi bảng chữ cái thì mọi thứ trong quá khứ, hiện tại sẽ phải thay đổi theo. Đó là khối lượng công việc khổng lồ và sự tốn kém tiền của là khó có thể tính toán.
Nói lại một chút về những nhầm lẫn, sai chính tả của người Việt, theo tôi lỗi không phải ở chữ mà ở cách giáo dục, cách học không đến nơi đến chốn. Bản chất là nền giáo dục chứ hậu quả của sự bất hợp lý do chữ là không nhiều.
Người dân không tranh luận mà ngay lập tức chỉ trích gay gắt đề xuất của ông, xét trên góc độ nào đó, họ cho rằng đề xuất ấy là không thiết thực, không đem lại nhiều thay đổi cho cuộc sống. Trên thực tế, nhiều công trình khoa học hiện nay xa rời với đời sống, thậm chí quá cao siêu hoặc quá rườm rà, rắc rối khó thực thi.
Sự miệt mài nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dư luận cần những lập luận, chứng minh được đề xuất trên là đúng và sự cải cách đó mang tính lịch sử, thực sự cần thiết.
Còn dư luận, thay vì chỉ trích hãy bình tĩnh phản biện một cách văn hóa để tìm ra chân lý.