Cải cách bộ máy hành chính: Những vấn đề cần gấp rút triển khai trong năm 2018

PV| 11/12/2017 20:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương.

Những vấn đề cần gấp rút thực hiện

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đó là: Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, trong đó xác định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này; Văn bản về tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương; tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng tinh giản biên chế..

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong giai đoạn 2011 - 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước về mọi mặt. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa đồng bộ, còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời; một số văn bản chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, qua quá trình giám sát cho thấy, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ và chưa triệt để; một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về (như một số nội dung trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hoặc việc đăng ký quyền sử dụng đất). Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.

Cải cách bộ máy hành chính: Những vấn đề cần gấp rút triển khai trong năm 2018

 Đại biểu Phạm Văn Hòa

Về biên chế công chức, đã được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.

Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%).

Phải có bộ tiêu chí đánh giá cán bộ

Tại kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc. Có tình trạng cấp trên "ôm đồm", cấp dưới "đẩy việc" lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc...

Đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân. Nguyên nhân do công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do họ ít phụ thuộc vào dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên; phần lớn công chức không thạo việc (dù bằng cấp rất đầy đủ); tình trạng phân cấp phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng dẫn tới cấp trên phải làm thay cấp dưới. Quan chức chính trị bị sa vào công việc hành chính cụ thể...Về lâu dài các quan chức chính trị phải được dân bầu hoặc giới thiệu; quan chức hành chính phải được tuyển dụng theo tiêu chí cụ thể; xây dựng quy chế cụ thể đánh giá công chức trên cơ sở hài lòng của người dân một cách thực chất.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để quy định thống nhất về tổ chức bộ máy; quy định biên chế cấp tỉnh phải dựa trên cơ sở quy mô dân số và đặc thù của địa phương, đặc thù mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, nông thôn miền núi; thận trọng khi tiến hành sáp nhập các cơ quan, tránh điệp khúc "tách nhập, nhập tách", "tách ra là để chuyên sâu/ nhập vào là để giảm đầu mối đi"... Cùng với đó là việc phân loại, đánh giá cụ thể về đội ngũ cán bộ, công chức làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế, tránh tình trạng giữ lại người kém, cho ra ngoài bộ máy những người giỏi, "ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người"; cải cách chế độ tiền lương cán bộ, công chức cho phù hợp...

Bên cạnh đó, phải chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào (Tổng cục, Cục hay Vụ, Phòng trong Vụ) để giảm cấp trung gian; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực nghề nghiệp; bên cạnh đó cần xây dựng quy định cụ thể về các chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương (Bí thư, Chủ tịch, Tòa án, Kiểm sát, Công an);..

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn “lấn sân” sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Thông qua các quy định về chuyên môn đã có hiện tượng quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ Trung ương xuống địa phương; tình trạng thành lập cấp Phòng trong các Vụ chuyên môn; nâng cấp Vụ lên Cục...Thực trạng tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nguyên nhân là do thiếu sự cương quyết, còn nể nang khi ban hành các Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của các Bộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ rà soát các VBQPPL về tổ chức bộ máy, thiết kế lại toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn hóa các quy trình, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng Nhà nước không làm những việc xã hội có thể làm được; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ minh bạch, cụ thể; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh nhất thể hóa một số chức danh gắn với trách nhiệm, quyền lợi để nâng cao chất lượng quản lý. 

 Xem xét đề xuất phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự

Từ ngày 11 - 14/12 sẽ diễn ra Phiên họp thứ 19, UBTVQH. Tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cho ý kiến về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; Đồng thời cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016; về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016 - 2020;…

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2017; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của UBTVQH và cho ý kiến về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của một số cơ quan của Quốc hội. UBTVQH sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020 tại một số nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách bộ máy hành chính: Những vấn đề cần gấp rút triển khai trong năm 2018