Từ khóa “hàng Việt Nam chất lượng cao” được google cho 8.130.000 kết quả trong vòng 0,6 giây. Nhưng “cầu thủ Việt Nam chất lượng cao chỉ có 1.180.000 kết quả trong 0,52 giây.
Con số ấy có lẽ chỉ là so sánh vui để thấy rằng cầu thủ Việt Nam có chất lượng có khi còn hiếm được quảng bá hơn hàng hóa quốc nội!
Vậy nên những thông tin về việc Hoàng Anh Gia Lai sắp để vài trụ cột như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh và có thể cả Nguyễn Phong Hồng Duy sang Nhật Bản thi đấu có thể coi là điềm lành trong những tháng cuối cùng trong năm 2015 của bóng đá Việt Nam.
Công Phượng và Tuấn Anh có thể sẽ sang Nhật Bản thi đấu
Giới quần đùi áo số Việt Nam có không ít những cầu thủ từng ra nước ngoài thi đấu, như trường hợp của Lê Huỳnh Đức hay Lê Công Vinh. Nhưng đó là khi họ đã thành danh và cũng có thể với mục đích đánh bóng tên tuổi cho một nơi nào đó. Còn chưa mấy đội bóng tại Việt Nam nghĩ tới chuyện “xuất khẩu” cầu thủ.
Ở đây “xuất khẩu” cầu thủ không có nghĩa là cho sang… Lào hay Campuchia với bản hợp đồng cho mượn, như trường hợp của tiền đạo Nguyễn Xuân Nam của Hà Nội T&T. “Xuất khẩu” nghĩa bán được cầu thủ hoặc họ có một hợp đồng chính thức theo nghĩa đen với một đội bóng nước ngoài. Và đó là điều mà CLB Hoàng Anh Gia Lai đang làm với những Công Phượng hay Tuấn Anh.
Có thể sẽ có nhiều người mỉa mai rằng những đội bóng chơi ở hạng 2, hạng 3 Nhật Bản cũng chỉ làng nhàng kiểu V-League, không biết chừng trình độ còn kém hơn. Nhưng hãy nhớ một điều, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, và xuất hiện ở một đất nước có trình độ bóng đá phát triển có thể giúp cho cầu thủ Việt Nam học hỏi được nhiều thứ mà người ta vẫn gọi là “chuyên nghiệp”.
Đấy là thứ mà ngay cả cái nền bóng đá này vẫn đang mỏi mòn tìm kiếm mà chưa có lời giải đáp.
Cầu thủ Việt Nam chất lượng cao của Việt Nam chưa có quá nhiều
Hoàng Anh Gia Lai lãi hay lỗ với vài thương vụ, cứ tạm coi là chuyển nhượng, với Công Phượng hay Tuấn Anh. Nhưng điều quan trọng là “vạn sự khởi đầu nan”, tương lai sẽ hứa hẹn thêm nhiều bản hợp đồng mới sau những người đi tiên phong.
Và cái mô hình ấy hẳn sẽ được nhiều đội bóng ở Việt Nam nhìn vào để noi theo và cải thiện cả những gì chưa được. Dẫu sao cuộc sống này vẫn luôn tồn tại bài toán kinh tế là kinh doanh phải có lãi. Chẳng mấy ai cứ đầu tư vào bóng đá chỉ vì “thích” mà không nghĩ tới việc kiếm tiền từ nó, bắt đầu từ việc xuất khẩu cầu thủ.