Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt nam

Lập Nguyễn| 19/08/2022 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc

Cách đây 77 năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã đánh dấu một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc ta, chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm, đập tan xiềng xích đô hộ “một cổ hai tròng” của ngoại bang (thực dân Pháp, phát xít Nhật) và bọn phong kiến tay sai, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, tạo nên cuộc hồi sinh vĩ đại cho cả dân tộc Việt Nam sau đêm trường nô lệ đau thương và tủi nhục.

Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nguồn sức mạnh to lớn, tiền đề quan trọng để dân tộc ta tiến lên giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi này, nước ta trở thành một trong những nước tiên phong ở Đông Nam Á trong việc xây dựng chế độ mới – chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện ước mơ, khát vọng của bao thế hệ người Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự phát huy cao độ ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo, tài tình để đề ra những quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược cũng như những sách lược cụ thể, thắng lợi này một mặt đã bổ sung lý luận Mác - Lênin về khả năng nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, mặt khác, đã thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào giải phóng vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

1.jpg
Cách mạng Tháng Tám - Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh rằng, một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, chưa có nhiều khả năng, tiềm lực về kinh tế, khoa học, quân sự, nhưng vẫn có thể làm nên những sự kiện vĩ đại, và thực tế đã trở thành một cuộc cách mạng xã hội điển hình ở khu vực và trên thế giới. Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới những năm giữa thế kỷ XX đã cho thấy, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, hàng loạt các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh đã vùng lên đấu tranh giành độc lập, thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa kiểu cũ, cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do. Như nhà Sử học Na Uy, Stein Tonneson đã đánh giá về tầm ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám đối với lịch sử thế giới: “không chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam... Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.

Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của quá trình vận động cách mạng lâu dài suốt 15 năm đấu tranh gian khổ, kiên cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó là quá trình tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được mở rộng và phát huy cao độ tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc, áp đảo thực lực quân sự của kẻ thù; đó là quá trình chủ động và tích cực xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, mở rộng các khu căn cứ địa cách mạng, các vùng giải phóng, tạo bàn đạp và hỗ trợ tích cực, hiệu quả khi tiến hành khởi nghĩa từng phần, một hình thức đặc thù của Việt Nam được Đảng sáng suốt xác định từ Hội nghị trung ương 8 (tháng 5/1941) với những phương pháp đấu tranh phù hợp. Đó còn là nghệ thuật nắm bắt và chớp thời cơ “ngàn năm có một” để tiến lên tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành thắng lợi hoàn toàn.

Có thể khẳng định rằng, Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có giá trị lịch sử và thời đại vô cùng to lớn. Hơn 77 năm trôi qua, thắng lợi ấy vẫn tiếp tục toả sáng, luôn là niềm tự hào và sức mạnh lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, cũng như trong bước đường phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã phát huy cao độ sáng tạo, khéo léo, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai với phương châm vừa kiến quốc vừa kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền bắc, đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, một thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước đế quốc thực dân hùng mạnh.

Nhưng đế quốc Mỹ lại thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, hòng biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới. Toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc để xây dựng miền bắc thành căn cứ địa cách mạng cả nước; cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền nam để giải phóng miền nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất nước nhà. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trải qua nhiều giai đoạn cam go, ác liệt, nhân dân ta lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Ðảng, chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang.

Ðối với cách mạng ở miền bắc, Ðảng ta lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nghĩa vụ hậu phương chi viện cho chiến trường miền nam và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Ðối với cách mạng ở miền nam, Ðảng ta lãnh đạo đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từng bước tiến tới Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một mặt, chúng ta phải khắc phục hậu quả, xây dựng đất nước đi lên từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh; mặt khác tiến hành các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Khó khăn chồng chất khi mà nước ta đứng trước tình trạng bị bao vây, cấm vận nặng nề. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, toàn dân tộc quyết tâm đồng lòng vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng, củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước. Trong mười năm (1975 - 1985), cả nước tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội cũng là khoảng thời gian Ðảng ta tìm tòi con đường đổi mới; tư duy mới được hình thành từng bước bắt nguồn từ thực tiễn sinh động.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Ðảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðại hội lần thứ VI của Ðảng đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, từ Ðại hội lần thứ VII đến Ðại hội lần thứ XIII, Ðảng ta luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Ðảng ta xác định: "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội".

Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng nhiều năm ở mức cao; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám là dịp toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước, nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bài học kinh nghiệm quý của chặng đường đã qua để hun đúc ý chí, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt nam