Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề hướng tới Tòa án điện tử

Mai Thoa| 25/06/2019 08:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Các nội dung như đối phó với tội phạm công nghệ cao và các giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động Tòa án đã được các đại biểu thảo luận.

Hội thảo có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện các Bộ, ngành liên quan như TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Vấn đề quan trọng của quốc gia

Chủ đề cuộc Hội thảo được coi là rất thời sự và đặc biệt quan trọng trong thực tiễn xây dựng chính sách, pháp luật của nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền và tiến trình cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong tố tụng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng, đồng thời dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, tạo bứt phá về cơ sở hạ tầng ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo lập môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thu các công nghệ sản xuất mới, khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền quản trị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Song, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và một trong số đó là hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến bằng con đường trọng tài hay tố tụng…

Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề hướng tới Tòa án điện tử

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo

Vì vậy, Hội thảo này nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc CMCN 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định hướng tiếp cận, các định hướng và giải pháp lớn nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đồng thời phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro,vi phạm pháp luật một cách hiệu quả.

Các chuyên gia CNTT nhận định: cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi nội hàm khái niệm cốt lõi trong pháp luật dân sự kinh tế đó là “tài sản". Khi giao dịch trên mạng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như: giới hạn trách nhiệm của người mua bán đến đâu nếu liên quan đến rửa tiền, việc nộp thuế…nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan, lý đó là vấn đề an ninh mạng, quản lý dòng tiền, thu thuế, chống gian lận, lừa đảo và xử lý khi có tội phạm xảy ra.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN, việc sáng chế là do con người tạo ra. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng có rất nhiều hàng giả trà trộn mà thiếu quy định xử lý nên khó nắm bắt được thông tin các chủ thể sai phạm. Mặt khác, việc bồi thường thiệt hại liên quan đến sở hữu trí tuệ cần có hiện vật, bằng chứng cụ thể… để tính toán giá cả nhưng trên mạng khó nắm được và khó xác thực giá cả để bồi thường.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong thời đại công nghệ số, xuất hiện nhiều tội phạm công nghệ cao nên đòi hỏi các ngành, trong đó có ngành ngân hàng cần sự chuyển mình mạnh mẽ để bảo vệ kho dữ liệu khổng lồ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

CMCN 4.0 và hướng tới Tòa án điện tử

Trong chuyên đề “CMCN 4.0 với vấn đề tiếp cận công lý, an ninh mạng”, các đại biểu đã đã đề cập đến các yếu tố đa chiều có tầm ảnh hướng đến hoạt động tư pháp và phòng chống tội phạm, trong đó có điểm nhấn quan trọng về Tòa án điện tử trong tương lai. Với sự phát triển nhanh về công nghệ, đi kèm là những rủi ro và tội phạm gia tăng, hoạt động của Tòa án phải đổi thay như một sự tất yếu để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đại diện Bộ Công an cũng đã đề cập đến tình trạng tội phạm phát triển nhanh gần đây do tác động từ CNTT. Theo đó, tại Việt Nam, tội phạm và xử lý tội phạm liên quan đến CNTT đã được quy định trong BLHS 2015. Hiện nay loại tội phạm này rất đa dạng, nổi lên là các hoạt động như sử dụng không gian mạng để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, bạo loạn. Các đối tượng phản động, chống đối đã triệt để sử dụng không gian mạng tuyên truyền, kích động người biểu tình gây rối an ninh trật tự, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng, kéo dài.

Tiếp đến là hoạt động tấn công, xâm nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu, website của các cơ quan, doanh nghiệp để thu thập dữ liệu, tống tiền có xu hướng gia tăng. Hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong số các quốc gia phải đối diện mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi có tổ chức và ngày càng nguy hiểm. Cùng với đó là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng không ngừng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân...

Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề hướng tới Tòa án điện tử

Toàn cảnh buổi hội thảo

Tham luận gửi đến Hội thảo của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng đã nêu lên bức tranh Tòa án với những triển vọng về một Tòa án điện tử trong tương lai gần. Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, trong hoạt động của Tòa án, xu hướng đơn giản hóa thủ tục tố tụng và ứng dụng CNTT đang được các nước áp dụng hiệu quả. Việc ứng dụng CNTT trong tố tụng cũng đã được ghi nhận trong các Bộ luật về tố tụng. Theo đó, ghi nhận việc gửi, nhận đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử; việc cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bên cạnh các phương thức tống đạt trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính thì bổ sung phương thức tống đạt bằng thư điện tử. Quy định các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là quy định mới nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường áp dụng CNTT trong hoạt động tư pháp; đồng thời cũng là nền tảng để xây dựng Tòa án điện tử và hướng tới xây dựng Tòa án thông minh trong tương lai.

Tuy nhiên, để triển khai chủ trương trên một cách hiệu quả, thời gian tới chúng ta cần có định hướng sửa đổi pháp luật ở góc độ như: Có văn bản hướng dẫn việc gửi đơn kiện trực tuyến để đương sự biết phải làm gì. Hướng dẫn này nên thống nhất trên cả nước và cần có những nội dung tối thiểu mà đương sự cần điền thông tin khi gửi đơn khởi kiện… hoặc hướng dẫn gửi tài liệu từ Tòa án cho các chủ thể liên quan đến vụ việc.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, thành tựu CMCN 4.0 có thể làm thay đổi nhiều vấn đề của Tòa án nói riêng và tố tụng tư pháp nói chung. Đối với  lĩnh vực dân sự, đương sự vẫn có thể tham gia phiên xét xử mà không cần có mặt tại phòng xét xử thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Với giải pháp này, khả năng phải hoãn phiên xử do một bên không thể có mặt tại phòng xét xử sẽ giảm, chi phí cho đương sự sẽ giảm vì họ sẽ vẫn được tham gia phiên xét xử mà không phải mất thời gian di chuyển đến địa điểm xét xử. Cơ quan Tòa án cũng tiết kiệm được khoản chi phí tiếp đón đương sự tại địa điểm xét xử. Riêng đối với xét xử các vụ án hình sự, trong trại giam sẽ phải có một phòng được xây dựng, bố trí giống phòng xét xử tại Tòa án và cũng được trang bị đầy đủ các phương tiện điện tử cần thiết đảm bảo cho phiên tòa trực tuyến diễn ra.

Đến thời điểm hiện nay, pháp luật tố tụng Việt Nam chưa quy định về xét xử trực tuyến như trên. Vì vậy, hướng hoàn thiện pháp luật cần tính đến để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của cuộc CMCN 4.0 trong tố tụng tư pháp…

Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nội dung đã đưa ra bàn thảo ở các phiên thảo luận. Các thành viên tham dự hội thảo đã có những chuyên đề mang tính cấp bách, có nhiều nội dung tốt cho yêu cầu phát triển CMCN 4.0. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Tổ chức chọn lọc thông tin chính yếu từ Hội thảo đề xuất Chính phủ, Quốc hội những nội dung quan trọng.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường, nếu biết ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn… Những công nghệ ấy áp dụng vào phát triển kinh tế xã hội là yếu tố nội sinh quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, Thủ tướng quán triệt đến các Bộ như: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KHCN, Bộ TT&TT… làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để thúc đẩy ứng dụng CNTT vào phát triển kinh tế của đất nước; từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đưa kinh tế đất nước ngày càng phát triển.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề hướng tới Tòa án điện tử