Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Mạnh Nguyễn| 05/04/2017 15:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội đem đến cho Việt Nam rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ.

Nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước, rồi sau đó là động cơ đốt trong… Ảnh hưởng của nó diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19 và sau đó là toàn thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 kéo dài tới đầu thế kỷ 20. Dấu ấn quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là việc sử dụng điện năng để mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt…

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu khoảng 1969, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là CNTT và Internet kết nối vạn vật. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ. Giới phân tích  nhận định trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp này đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Theo đó, Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Chính phủ có chỉ đạo hay bàn giải pháp nào để Việt Nam thích ứng, đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ và đây là cuộc cách mạng kết hợp công nghiệp trong các lĩnh vực như vật lý, số hóa, sinh học và vốn để tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Trong cuộc cách mạng này, cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ. Bộ Chính trị và Chính phủ rất quan tâm đến việc này bởi hiện nay tất cả thế giới đang quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Ở nước ta, trong các nghị quyết của Đảng cũng ở mức độ này mức độ khác đề cập đến tất cả lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Thủ tướng cũng đã cho các thành viên Chính phủ nghe báo cáo  về cuộc cách mạng 4.0. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào chúng ta phải tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa và tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển trong các lĩnh vực. Trong đó phải ưu tiên công nghệ thông tin và truyền thông, coi đây là hạ tầng trong sự phát triển, trong cuộc cách mạng công nghiệp này. Làm thế nào đó để kết hợp với những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực.

Thứ ba, phát triển công nghiệp CNTT-truyền thông có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Thứ tư, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu CNTT hiện đại hóa trong phạm vi cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, sự kết nối liên ngành và liên vùng.

Thứ năm, xây dựng các chính sách cơ chế và các giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi.

Thứ sáu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.

Thứ bảy, ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển kinh tế-xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập, nâng cao dân trí.

Thứ tám, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và phát triển năng lực CNTT quốc gia để làm chủ, đáp ứng yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Cuối cùng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan báo chí phải tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho người dân biết về vai trò tầm quan trọng là chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này tại Việt Nam. “Từ nay đến cuối năm, sẽ có báo cáo đánh giá việc triển khai từ tháng 4 đến hết năm 2017. Đây là những nội dung cụ thể, hiện nay Bộ KH&CN sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT xung quanh việc đào tạo nguồn lực xây dựng, xây dựng kết cấu hạ tầng để bảo đảm chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, không bị bỏ lỡ con tàu. Khi chúng ta bước lên tàu là chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ