Thời điểm này, thí sinh bắt đầu bước vào giai đoạn ôn tập nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển đại học. Đồng thời, nhiều thí sinh vừa học vừa ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tìm kiếm thêm cơ hội vào trường top đầu.
Vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Kết thúc học kỳ một, nhiều thí sinh bắt tay vào công đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển cao đẳng, đại học. Năm nay, nhiều trường đại học thay đổi xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển như học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… bởi vậy để có cơ hội vào trường top đầu nhiều thí sinh đã ôn tập song song.
Theo chia sẻ của nữ sinh Nguyễn Thị Hải Vy (Hà Tĩnh) cho hay: “Những thay đổi mới này chúng em cũng được dự báo tư năm ngoái, tuy nhiên chúng em ở vùng quê nên điều kiện học để thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khá khó khăn, để có thi được chứng chỉ IELTS em phải vào thành phố để tìm các thầy cô dạy và ôn thi”.
Hải Vy cũng cho biết thêm, để có cơ hội vào các trường đại học lớn ngay từ khi vào lớp 10 bản thân em đã cố gắng để học cũng như rèn luyện thật tốt để có một bảng điểm tốt để xét tuyển.
“Tuy nhiên, áp lực vẫn không thể tránh khỏi, bởi hiện nay ai cũng có xu hướng chọn một trường tốt để có điều kiện học cũng như sau này cầm tấm bằng cơ hội việc làm vẫn tốt hơn bởi vậy sự cạnh tranh đó khiến cho chúng em áp lực vô cùng”, Hải Vy trải lòng.
Còn theo nam sinh Nguyễn Việt Anh (Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội), Việt Anh cho biết em có nguyện vọng vào ngành y bởi vậy ngoài thời gian học trên lớp, Việt Anh còn tham gia các khóa học online nhằm.
“Năm nay là năm nước rút, thời gian học thì đa phần là học online dẫu đã quen với cách nhưng vẫn áp lực lắm, nhiều khi em nghĩ mỗi ngày phải 48 tiếng vì không đủ thời gian để học, bên cạnh đó những sự thay đổi về phương thức tuyển sinh của các trường nữa khiến cho bản thân thí sinh rất áp lực.
Ví dụ như em và một số bạn muốn vào ĐH Y Hà Nội ngoài học chương trình thi trên lớp vừa phải ôn thi IELTS, vất lắm không có thời gian để nghỉ tuần nào cũng kín lịch học”, Việt Anh chia sẻ.
Giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tốt nghiệp THPT
Thời điểm này, nhiều trường đã công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2022, đáng chú ý các trường top đầu đều đưa ra 4 đến 6 hình thức xét tuyển, đồng thời giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.
Cụ thể, theo phương án dự kiến năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhà trường dành 60-70% tổng chỉ tiêu cho kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; 20-30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng và chỉ dành 10-20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 - giới hạn với một số chương trình đào tạo.
Đại học Giao thông Vận tải chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường năm 2022 khoảng 30% so với năm 2021. Trường duy trì 4 phương thức xét tuyển gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%).
Năm 2022, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh 4.150 chỉ tiêu với 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển học bạ, Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nếu năm 2021, hình thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT dành tối thiểu 82% chỉ tiêu thì năm 2022 dự kiến chỉ 45-50%.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất... cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và dành khoảng 20-30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì trong mùa tuyển sinh năm 2022.