Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các TAQS đã khắc phục mọi khó khăn, bám sát hoạt động chiến đấu trên các mặt trận, chiến trường để thực hiện nhiệm vụ xét xử, tuyên truyền giáo dục pháp luật.
TAQS đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm ở mọi lúc, mọi nơi, phục vụ tốt yêu cầu chính trị, góp phần giữ nghiêm kỷ luật quân đội, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Thành lập TAQS cách mạng là một yêu cầu cấp thiết
Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ở chiến trường miền Nam, sau những thất bại liên tiếp, địch càng ráo riết tiến hành chiến tranh tâm lý, gián điệp bằng nhiều thủ đoạn như: tuyên truyền tác động, chiêu hồi chiêu hàng, kết hợp với phi pháo ác liệt, thám báo, gián điệp, dùng người của ta đánh lại ta nhằm làm suy yếu ý chí chiến đấu của lực lượng vũ trang miền Bắc Việt Nam. Ở miền Nam, quân giải phóng nhìn chung vững vàng về chính trị, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhưng không ít cán bộ, chiến sĩ còn có những biểu hiện tiêu cực, ngại lâu dài gian khổ, sợ hy sinh, muốn hưởng lạc, tự do vô tổ chức vô kỷ luật. Do công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý nội bộ còn có chỗ yếu, sơ hở nên một số phần tử không chịu rèn luyện, bị tác động bởi các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc nên đã sa vào con đường phạm tội.
Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, đời sống vật chất thiếu thốn, các hành vi đào ngũ, đầu hàng, tham ô, trộm cắp, giết người, hiếp dâm ở nhiều khu vực có chiều hướng gia tăng tăng. Đáng chú ý là có những vụ giết hại đồng đội để cướp của, giết chỉ huy do bực tức cá nhân; có vụ đầu hàng giặc rồi làm biệt kích chui vào căn cứ của Trung ương Cục miền Nam... Trước tình hình phạm tội nghiêm trọng trong lực lượng vũ trang ở miền Nam, việc tổ chức các TAQS cách mạng cùng với hệ thống cơ quan quân pháp trong quân giải phóng là một yêu cầu cấp thiết nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các vi phạm pháp luật. Các TAQS ở miền Nam được hình thành lúc này chưa phải là một tổ chức chuyên trách, mà chỉ lập ra khi có yêu cầu xét xử vụ án. Cũng như các TAQS ở miền Bắc, các TAQS cách mạng miền Nam xét xử một cấp sơ thẩm đồng thời chung thẩm; các bản án sau khi tuyên được thi hành ngay. Án tử hình sẽ được thi hành nếu sau khi tuyên 15 ngày không có khiếu nại hoặc kháng nghị. Nếu có khiếu nại, kháng nghị thì thủ trưởng cấp có thẩm quyền xem xét lại, hoãn thi hành trong 3 tháng để nghiên cứu. Trường hợp khiếu nại, kháng nghị không có cơ sở thì cấp có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ khiếu nại, kháng nghị và phê duyệt thi hành án tử hình khi hết 15 ngày.
Cán bộ TAQS Quân khu 7 tuyên truyền pháp luật tới hạ sĩ quan, chiến sĩ tại các đơn vị thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4
Khi xét xử, các TAQS cách mạng thực hiện nguyên tắc, quy định của pháp luật nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và áp dụng đường lối chính sách pháp luật của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như: Sắc lệnh 163, Thông lệnh 60, Chỉ thị 51/H của Bộ chỉ huy Miền... Trong quá trình giải quyết vụ án, các TAQS tuân theo sự lãnh đạo của Đảng; những vụ án mức án phạt từ 5 năm tù trở xuống do Cục Chính trị được ủy quyền cho chỉ thị; những vụ có mức án trên 5 năm tù xử lý theo chỉ thị của tập thể Quân ủy Miền.
Xét xử nghiêm minh nhằm giữ gìn kỷ luật, sức chiến đấu
Để kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn kỷ luật, sức chiến đấu của quân giải phóng, các TAQS cách mạng ở miền Nam trong chiến tranh ác liệt đã xét xử hàng trăm vụ án các loại, tập trung vào các tội trọng điểm như: đầu hàng làm tay sai cho giặc; tham ô, trộm cắp tài sản, vũ khí phương tiện quốc phòng; tội giết người, hiếp dâm; các tội trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu (đào ngũ, tự thương, kháng lệnh). Ở chiến trường Campuchia, các TAQS cách mạng xét xử rất nghiêm khắc các bị cáo phạm tội đầu hàng, phản bội, giết người, đào ngũ, quấy rối trật tự trị an để giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.
Trong tình hình địch chống phá quyết liệt, chiến trường xen kẽ, vật chất thiếu thốn, vụ việc phạm pháp xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp, cán bộ quân pháp Miền phân công nhau, phối hợp với quân pháp đơn vị tổ chức xét xử, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Hoạt động của TAQS tại mặt trận đã xét xử kịp thời bọn nội gián gián điệp, biệt kích thám báo, bọn chiến tranh tâm lý, tề điệp ác ôn gây nguy hại cho lực lượng vũ trang. TAQS tại mặt trận cũng nghiêm trị các quân nhân vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật chiến trường, đào ngũ đầu hàng địch, tự ý rút lui trước quân địch, tự ý hủy hoại vũ khí, khí tài, chiến lợi phẩm, tiết lộ bí mật quân sự. Thông qua việc xét xử đã tuyên truyền giáo dục cán bộ, chiến sĩ giữ vững bản chất truyền thống quân đội, tôn trọng pháp luật, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. TAQS mặt trận chỉ xử các vụ nghiêm trọng có mức án từ 15 năm đến tử hình; các vụ phạm tội thông thường khác được đưa về phía sau để xét xử. Án tử hình do TAQS mặt trận tuyên được thi hành ngay tại nơi xét xử. Các TAQS cách mạng ở miền Nam đã xét xử hơn 400 vụ án, trong đó chủ yếu về loại tội phạm phản cách mạng, trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu, xâm phạm tài sản quốc phòng.
Trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, để phát huy hiệu quả của việc xét xử, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng được các TAQS cách mạng coi trọng. Đa số các vụ án được tổ chức xét xử công khai tại địa phương, đơn vị nơi xảy ra vụ án nên thu hút số đông cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham dự. Trong chiến dịch Bình Long, cán bộ quân pháp đến từng đại đội trong tiểu đoàn của Sư đoàn 7 để giáo dục pháp luật và rút kinh nghiệm với cán bộ lãnh đạo đại đội trong việc quản lý đã có tác dụng nâng cao ý thức kỷ luật trong chiến đấu. Do vậy khi đánh Bình Long đã giảm được hiện tượng đào ngũ, vi phạm chính sách chiến lợi phẩm. Việc tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với các quân nhân chậm tiến, có khuyết điểm ở các đơn vị thu dung của các sư đoàn (mỗi sư đoàn có một đại đội thu dung) cũng có kết quả. Có quân nhân kháng lệnh, hành hung chỉ huy đại đội, không chịu lên chốt chiến đấu, sau khi được giáo dục, đa số anh em ở đại đội thu dung đã trở lại đơn vị làm nhiệm vụ.
Bảo vệ thành quả độc lập sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước
Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu của các đơn vị, TAQS Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 đã xét xử kịp thời nhiều vụ án, phục vụ nhiệm vụ của quân đoàn. Khi TP Sài Gòn- Gia Định được giải phóng, Quân đoàn 3 tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản thành phố; tại các tỉnh ở miền Nam, chính quyền quân quản cũng được thành lập. Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), trong thời kỳ quân quản, tình hình chính trị xã hội, an ninh trật tự và tội phạm rất phức tạp; số vụ phạm pháp tăng nhiều đột biến, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, gây mất trật tự trị an, giảm uy tín của bộ đội ở vùng mới giải phóng. Lúc này, TAND các cấp chưa hình thành, nên các TAQS cách mạng đảm nhiệm xét xử trên 700 vụ án để trấn áp các phần tử phản cách mạng, đấu tranh chống các loại tội phạm nghiêm trọng nhằm bảo vệ, củng cố chính quyền, giữ gìn trật tự an toàn ở các vùng mới giải phóng.
Hội đồng xét xử TAQS Quân khu 4
Điển hình là TP Sài Gòn- Gia Định, trong thời kỳ quân quản, ngày 26/5/1975, TAQS mặt trận đã mở phiên tòa công khai xét xử 5 vụ án, trong đó có vụ Nguyễn Xuân Đạm, thượng sĩ trung đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 4, Sư đoàn 10 giả mạo 2 giấy mệnh lệnh của Ủy ban quân quản TP Sài Gòn - Gia Định để cướp bóc tài sản nhân dân. Tại Đà Nẵng, ngay sau khi được giải phóng, trước tình hình bọn phản động, lưu manh chuyên nghiệp thực hiện những hành vi giết người, cướp của, gây rối trật tự trị an, TAQS quân khu đã mở những phiên tòa đặc biệt kịp thời xét xử các đối tượng phạm tội. …
Hoạt động của các TAQS quân quản kéo dài gần 1 năm và chấm dứt khi TAND các cấp ở miền Nam được thành lập, ổn định hoạt động theo sắc lệnh số 01/SL-76 ngày 27/3/976 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Như vậy, các TAQS trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 và thời kỳ quân quản nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã thực hiện tốt chức năng của cơ quan xét xử của Nhà nước trong quân đội. Các TAQS đã khắc phục mọi khó khăn, bám sát hoạt động chiến đấu của các đơn vị trên các mặt trận, chiến trường để thực hiện nhiệm vụ xét xử, tuyên truyền giáo dục pháp luật. TAQS đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm ở mọi lúc, mọi nơi, phục vụ tốt yêu cầu chính trị, góp phần giữ nghiêm kỷ luật quân đội, tăng cường pháp chế XHCN trong quân đội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa non sông về một mối.