Báo Công lý nhận được đơn khiếu nại của bà con tiểu thương chợ Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội với nội dung phản ánh việc UBND huyện và Ban quản lý chợ (BQL) đưa ra thông báo yêu cầu tiểu thương ký lại hợp đồng thuê ki ốt.
Trao đổi với PV, các tiểu thương cho rằng, quyết định của UBND huyện Sóc Sơn và BQL chợ Phù Lỗ là không phù hợp.
Sự việc bắt đầu từ giữa tháng 1/2015, khi các chủ ki ốt, sạp hàng kinh doanh tại chợ Phù Lỗ nhận được thông báo từ BQL chợ về việc ký lại hợp đồng thuê ki ốt, sạp hàng có thời hạn cố định. Bà con tiểu thương không đồng tình với thông báo này bởi theo họ, 20 năm trước, họ tham gia đấu thầu và đã được UBND huyện Sóc Sơn chứng nhận việc trúng thầu mua ki ốt chợ Phù Lỗ.
Cụ thể, năm 1994, sau khi hoàn thành chợ Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn tiến hành đấu giá các ki ốt, sạp hàng cho những người có nhu cầu kinh doanh buôn bán. Được biết, mỗi một ki ốt tại thời điểm đó có giá khởi điểm 24 triệu đồng - một con số mà theo các tiểu thương là rất lớn. Giá trị đấu thầu thực tế, mỗi ki ốt có giá từ 27 - 30 triệu đồng. Ki ốt được xây bằng tường gạch, mái đổ bê-tông, diện tích từ 10 - 13,2m2/căn.
Kinh doanh ế ẩm, cùng với thông báo phải thuê lại ki-ôt do chính mình đấu thầu trúng, nhiều chủ hàng đóng cửa không bán hàng
Những người trúng thầu, ngoài biên bản chứng thực kết quả trúng thầu do Hội đồng đấu thầu huyện Sóc Sơn cấp còn kèm theo Phiếu thu có nội dung ghi “Nộp tiền mua ki ốt” và phiếu thu xác nhận nộp tiền dự thầu.
Kể từ đó đến nay, các tiểu thương chợ Phủ Lỗ vẫn kinh doanh bình thường, chấp hành đầy đủ các quy định của BQL chợ cũng như các chính sách pháp luật của Nhà nước.
Với lập luận, số tiền bỏ ra để sở hữu một ki ốt là một món tiền lớn thời điểm đó; phiếu thu cũng xác nhận là “tiền mua ki ốt”, các tiểu thương đều tin rằng, họ đã là chủ sở hữu lâu dài, vĩnh viễn ki ốt mà mình trúng thầu.
Chính vì thế, khi được BQL chợ ra thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh lên ký lại hợp đồng với thời hạn hàng năm một, đồng thời áp mức phí chợ là 45.000 đồng/m2/ki ốt và từ 25.000 - 30.000 đồng/m2/sạp hàng, phần lớn các hộ đều hết sức bất bình.
Hồ sơ một ki-ốt trúng thầu mà người dân nhận được, bao gồm phiếu thu và biên bản công nhận kết quả trúng thầu
Trước việc bà con tiểu thương phản đối gay gắt, ngày 29/10/2016, BQL chợ Phù Lỗ đã dừng cung cấp điện, nước, bảo vệ khiến bà con không thể kinh doanh được. Đến ngày 30/9/2016, BQL chợ tiếp tục gửi thông báo lần 2 về việc cắt điện, nước, bảo vệ cho đến ngày 15/10/2016. Điều đáng lưu ý rằng, trong thông báo này còn nói tới việc nếu bà con tiểu thương nào không thực hiện việc ký hợp đồng sẽ tiến hành thu hồi ki ốt.
Trong khi đó, ý kiến của phần lớn tiều thương đều khẳng định: Ngoài biên bản trúng thầu và phiếu thu tiền từ năm 1994 do ông Hoàng Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đấu thầu huyện Sóc Sơn ký xác nhận việc trúng đấu giá mua ki ốt, tiểu thương không nhận được bất kỳ giấy tờ nào khác.
Được biết, trong hai ngày 5, 6/10/2016, bà con tiểu thương chợ Phù Lỗ đã tới UBND TP. Hà Nội với mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét việc tự ý cắt điện, nước sinh hoạt của bà con tiểu thương của BQL chợ là đúng hay sai.
Tại đây, đại diện UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu ngừng ngay việc cắt điện, nước đối với bà con tiểu thương. Đồng thời, lãnh đạo thành phố yêu cầu bà con làm đơn trình bày nội dung vụ việc để UBND thành phố xem xét và có hướng chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên.