Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam qua Thanh Hóa vừa đảm bảo tiến độ vừa phòng dịch Covid-19

Thanh Phương| 10/06/2021 09:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất chấp nắng nóng, các đơn vị thi công cao tốc Bắc- Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn và đặc biệt phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 để đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu cán đích trước ngày 31/12/2022.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lương Văn Long, Giám đốc Quản lý dự án (Ban Thăng Long thuộc Bộ giao thông vận tải) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông, Bộ Y tế, các đơn vị thi công luôn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định. Những người từ các địa phương vào địa bàn phải khai báo y tế với chính quyền địa phương.

thau1.jpg

Các đơn vị thi công cao tốc Bắc- Nam vừa đảm bảo tiến độ vừa chống dịch Covid-19

Tuyến cao tốc qua Thanh Hoá dài 49,4km, bao gồm 4 gói thầu xây lắp từ 11-14 kèm theo đó là 4 đơn vị tư vấn giám sát. Tổng số 63 mũi thi công (9 Ninh Bình, 54 Thanh Hoá), lượng cán bộ công nhân viên từ 300 đến 400 người mỗi gói. Tổng 4 gói có trên 1.300 người. Mùa này, lao động phổ thông thường về quê gặt hái, gieo cấy nên rất khó tuyển. Buổi sáng, các đơn vị triển khai công việc từ 6-10h, chiều 14h30- 18h30 để tránh nắng, riêng hầm tại Hà Lĩnh (Hà Trung) làm 3 ca liên tục.

Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, trên công trường, các đơn vị luôn yêu cầu tất cả nhân công phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông. Cán bộ kỹ thuật cao phải khai báo, làm việc tại chỗ trong vòng 14-21 ngày. Công tác vận chuyển, vận tải nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn do nhiều lái xe, cán bộ đến từ vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội.

thau2.jpg

Khó khăn về nguồn nhân công kéo theo rất nhiều vấn đề phát sinh. Chưa kể giá vật tư (thép tăng 3-40%) theo thời điểm trúng thầu Quý 1/2021 thì tăng gần 400 tỷ, theo hoá đơn nhà thầu khoảng 570 tỷ. Điều khoản hợp đồng thì điều chỉnh theo chỉ số giá của Cục thống kê địa phương. Các nhà thầu đề nghị địa phương chỉ đạo làm sát giá thị trường. Đơn vị nào không lường trước để có nguồn dự trữ vật tư thì gặp khó thật sự.

Ngoài ra, bãi đổ thải 2,5 triệu m3 theo thiết kế, tỉnh Thanh Hóa mới chấp thuận 9 vị trí được 9.000m3. Công suất khai thác của các mỏ vật liệu đang thấp hơn nhu cầu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều tuyến đường không vận chuyển xe tải lớn được nên giá thành bị đẩy lên, gây khó cho các đơn vị thi công.

thau3.jpg

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa có khoảng 19 mỏ đất, 20 mỏ cát và 24 mỏ đá có khả năng cung cấp vật liệu cho dự án. Hiện nay, Ban quản lý dự án đã chấp thuận nguồn vật liệu của 9 mỏ đất, 16 mỏ cát và 9 mỏ đá. Trữ lượng các mỏ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, do trước khi dự án Cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng vật liệu đắp công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không nhiều, dẫn đến công suất khai thác tại các mỏ vật liệu còn thấp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của một dự án lớn như dự án Cao tốc Bắc – Nam.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đất đắp nền (K95, K98), trữ lượng các mỏ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của dự án, tuy nhiên công suất khai thác tại các mỏ đất hiện tại còn thấp. Bên cạnh đó, vật liệu san lấp công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không nhiều, hơn nữa để lấy được đất đắp đạt độ K thì quãng đường vận chuyển qua dài, điều này cũng đẩy giá thành lên cao.

Để thích ứng với thời điểm dịch bùng phát lại phải đẩy nhanh tiến độ, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long đang nỗ lực phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan của tỉnh Thanh Hóa rà soát, làm việc cùng các chủ doanh nghiệp khai thác vật liệu. Các chủ doanh nghiệp đều cam kết sẽ làm thủ tục nâng công suất khai thác khi các nhà thầu có cam kết về việc mua vật liệu phục vụ thi công dự án, đồng thời cam kết sẽ giữ giá vật liệu ổn định, không tăng giá bán trong suốt thời gian triển khai dự án.

thau4.jpg

Các đơn vị thi công thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan y tế tổ chức khai báo, tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực lán, trại. Thậm chí lấy mẫu ngẫu nhiên một vài trường hợp là công nhân, cán bộ kỹ thuật trên công trường để xét nghiệm đối với SARS CoV-2. Tất cả các anh em trên tuyến khi có triệu trứng ho, sốt thì buộc phải khai báo với cơ quan y tế để phối hợp giải quyết.

Được biết, liên quan đến tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, ngày 22/4, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về việc đảm bảo cho các dự án cao tốc Bắc-Nam hoàn thành trong năm 2022 (24 tháng thi công), Bộ GTVT đã đồng loạt triển khai các dự án thành phần. Nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến do tiến độ yêu cầu hoàn thành nền đường các gói thầu, dự án thành phần trong cùng một thời gian dẫn đến tình trạng hiện tại mới đủ điều kiện khai thác 32,2/54 triệu m3 đất đắp, còn lại 21,8/54 triệu m3 chưa đủ điều kiện khai thác.

Bộ GTVT cho rằng, khối lượng đất nêu trên dự kiến lấy tại các mỏ vẫn đang hoàn tất các thủ tục (cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, giải phóng mặt bằng mỏ, làm đường vào mỏ,…) dẫn đến khả năng kéo dài tiến độ, thậm chí phải dừng thi công do chờ thủ tục khai thác mỏ.

Giao thông được xem là trụ đỡ kết nối dòng chảy của đời sống, sản xuất, lưu thông. Chính vì vậy việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông huyết mạch như cao tốc Bắc- Nam là rất bức thiết, tháo gỡ các điểm nghẽn do trục QL 1A đã trở nên quá tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam qua Thanh Hóa vừa đảm bảo tiến độ vừa phòng dịch Covid-19