Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day

Trâm Anh (theo AFP)| 06/06/2019 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã tham dự các buổi lễ trên bãi biển Normandy, nơi 75 năm trước quân đội Đồng minh đổ bộ để đẩy lực lượng Đức Quốc xã ra khỏi Pháp.

Vào thời điểm bất hòa quốc tế đang gia tăng, các nhà lãnh đạo đã tìm cách thể hiện rằng sự hòa hợp xuyên Đại Tây Dương vẫn còn nguyên vẹn bằng việc gặp gỡ nhau trong các buổi lễ tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của những người lính đã đổ bộ lên bãi biển Normandy vào ngày 6 tháng 6 năm 1944.

Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day

Cựu chiến binh Hoa Kỳ Jack Gutman, 18 tuổi khi ông đến bãi biển Omaha vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, là một trong những người đến tham dự lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ D-day

Đây là dịp để các lãnh đạo cấp cao gặp gỡ cùng bày tỏ sự tưởng nhớ lịch sử sâu sắc. Tổng thống Macron lần đầu tiên gặp Thủ tướng Anh Theresa May để khởi động xây dựng một đài tưởng niệm của Anh tại Ver-sur-Mer. Sau đó, Tổng thống Macron và Tổng thống Trump sẽ có cuộc hội đàm riêng sau buổi lễ tại nghĩa trang quân đội Hoa Kỳ tại Colleville-sur-Mer. Nghĩa trang này nhìn ra Bãi biển Omaha chứa 9,400 ngôi mộ - chỉ 40% là của lực lượng Mỹ thiệt mạng trong những tuần chiến đấu diễn ra sau cuộc đổ bộ D-Day. Cả hai nhà lãnh đạo sẽ có bài phát biểu, trong khi tổng thống Pháp cũng sẽ trao tặng Bắc đẩu bội tinh – huy chương danh dự cao nhất của Pháp, cho năm cựu chiến binh Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tham dự một buổi lễ tại bãi biển Juno, nơi các lực lượng Canada chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham dự các sự kiện kỷ niệm D-Day tại Portsmouth

Ông Trump đến Pháp sau chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tới Anh, nơi ông tham dự một buổi lễ ở Portsmouth để đánh dấu D-Day cùng với Nữ hoàng Elizabeth II và hơn một chục nhà lãnh đạo thế giới khác.

Trong một tuyên bố chung, 16 quốc gia có mặt tại Portsmouth đã khẳng định trách nhiệm chung của họ trong việc đảm bảo sự khủng khiếp của Thế chiến II sẽ không bao giờ lặp lại. Họ tái khẳng định cam kết của mình đối với "các giá trị chung" và thề sẽ hợp tác để bảo vệ các quyền tự do "bất cứ khi nào chúng bị đe dọa".

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tham dự buổi lễ Portsmouth nhưng không có mặt ở Normandy.

Tổng thống Vladimir Putin, người được mời vào năm 2004 nhân kỷ niệm 60 năm của cuộc đổ bộ, đã không nhận được lời mời tham dự một trong hai buổi lễ năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ căng thẳng của phương Tây với Nga. Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư nói rằng cuộc xâm lược của quân Đồng minh vào D-Day không quyết định tiến trình của Thế chiến II và tầm quan trọng của nó không nên được phóng đại.

Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day

Hoàng tử Anh Charles, Nữ hoàng Elizabeth II và Donald Trump cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác tham gia để kỷ niệm D-Day

Cuộc đổ bộ Normandy là cuộc hành quân đổ bộ vào thứ ba, ngày 6 tháng 6 năm 1944 trong cuộc xâm lược của quân Đồng minh vào Normandy trong Chiến dịch Overlord trong Thế chiến II. Có tên mã là Chiến dịch Sao Hải Vương và thường được gọi là D-Day, đây là cuộc xâm lược trên biển lớn nhất trong lịch sử. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, 156.000 binh sĩ đã đổ bộ vào các bãi biển được chọn cho cuộc tấn công D-Day, hầu hết là người Mỹ, Anh và Canada. Nó vẫn là cuộc tấn công đổ bộ lớn nhất trong lịch sử, cướp đi sinh mạng của khoảng 4.400 binh sĩ chỉ trong ngày đầu tiên.

Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day

Ngày 6 tháng 6 năm 1944, hiện được gọi là 'ngày dài nhất', 156.000 binh sĩ đã đổ bộ vào các bãi biển được chọn cho cuộc tấn công D-Day.

D-Day được nhiều người coi là một trong những biểu tượng tuyệt vời của sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương, khi các quân nhân trẻ của Mỹ đã hy sinh mạng sống của họ trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt sự kìm kẹp của Đế chế thứ ba đối với châu Âu. Hàng chục ngàn du khách Pháp và nước ngoài đã hội tụ tại bờ biển Normandy cho lễ kỷ niệm năm nay để tôn vinh những cựu chiến binh ít ỏi còn sống đến giờ. Nhưng liên minh Đại Tây Dương đang đứng trước thử thách bởi mối quan hệ không mấy êm thấm của ông Donald Trump với châu Âu - khi hai bên có bất đồng trong các vấn đề từ Iran và Nga đến thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu.

"Tất cả những người này là anh hùng của tôi, họ là những người đã đào tạo tôi", Terry Murphy, người đã dành 21 năm làm lính nhảy dù của Quân đội Hoa Kỳ, nói với AFP hôm thứ Tư tại một buổi lễ tôn vinh ngày D-day ở Sannerville. "Họ thực sự là thế hệ vĩ đại nhất", ông nói.

Những cựu chiến binh của cuộc đổ bộ này mỗi ngày một ít đi vào những năm kỷ niệm chẵn. Tại buổi lễ ở Portsmouth, Nữ hoàng Anh cho biết thế hệ thời chiến của bà đã tỏ ra rất "kiên cường", và rằng một số người đã nghĩ rằng buổi lễ kỷ niệm 60 năm D-day có thể là lần cuối cùng của họ.
 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà lãnh đạo thế giới kỷ niệm 75 năm ngày D-Day