Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các mẹ Việt Nam anh hùng đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi gặp mặt
Chiều 24/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì buổi gặp mặt Đoàn đại biểu gồm 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), trong những ngày tháng Bảy này, cả nước đang diễn ra rất nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa.
Trong khuôn khổ đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức cuộc gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng, một hoạt động nhằm tri ân, biểu thị tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc đến những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Cùng với chính sách của Nhà nước, nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân, phụng dưỡng các mẹ. Chiến tranh đã lùi xa, đến nay còn 4.962 Mẹ còn sống và đang được các cơ quan, tổ chức, gia đình phụng dưỡng. Đa phần các Mẹ tuổi đã cao.
Các Mẹ đã trở thành tượng đài vĩ đại trong lòng người dân
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động được đón các mẹ Việt Nam anh hùng tại Nhà Quốc hội và vui mừng khi thấy nhiều mẹ, trong đó hơn 100 Mẹ trên 90 tuổi (có mẹ 105 tuổi) nhưng vẫn còn sức khỏe để về dự cuộc gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những người Mẹ “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, hình ảnh của những người Mẹ không ngại hiểm nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, chèo thuyền chở chiến sĩ qua sông, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân cũng trở thành người chiến sĩ, bị giặc bắt tù đày, tra tấn, nhưng vẫn hiên ngang đối mặt với quân thù và đã trở thành tượng đài vĩ đại trong lòng người dân.
Đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất, mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.
Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các Mẹ là những minh chứng sống, có nhiều Mẹ ngoài nỗi đau tinh thần mất chồng, mất con, còn mang trên mình nỗi đau thể xác với nhiều thương tích.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công
73 năm đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị chọn ngày 27/7 hằng năm là Ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, với lời căn dặn: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy", ... chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn khắc ghi những công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ, của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, của những người thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước.
Trong đó, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và dành riêng một khoản trong Ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Ngày 10/9/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, đến nay, sau hơn 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cùng với đó, Pháp lệnh ưu đãi đối với Người có công với cách mạng cũng thường xuyên được nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, cũng như ý kiến của cư tri đóng góp cho Quốc hội nhằm từng bước hoàn thiện chính sách với những người có công với cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó, có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh đó, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, thực hiện sâu rộng các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, đặc biệt là chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng vì tuổi của các mẹ ngày càng nhiều, sức càng yếu.
Trong không khí trang trọng và xúc động, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng những tình cảm sâu đậm và lòng biết ơn sâu sắc của những thế hệ người Việt Nam đang được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc từ sự hy sinh của những người con thân yêu của các mẹ.
Chủ tịch Quốc hội kính chúc các mẹ luôn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục chứng kiến sự lớn mạnh của đất nước và sự trưởng thành của thế hệ trẻ người Việt Nam tiếp bước các thế hệ cha anh xây dựng đất nước.
Qua các mẹ và các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong cả nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành đã trân trọng đến trao từng phần quà tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.