Ngoài món kẹo dừa nổi tiếng, khi về các vùng nông thôn ở Bến Tre du khách sẽ có dịp được thưởng thức các loại bánh chuối quen thuộc nhưng cũng không kém phần lạ miệng.
Không chỉ có bánh chuối hay kẹo chuối mà ta thường thấy ở các quán hàng rong hay tiệm tạp hóa mà người dân Bến Tre còn chế biến chuối thành nhiều món dân dã đặc trưng nhưng vẫn không làm mất đi vị thanh ngọt tự nhiên của loại trái cây này.
Chuối xiêm chín thường được dùng làm bánh bởi trái to, nhiều nhựa, khi xay thành bột nó quện sánh hơn so với các loại chuối khác.
Kẹo chuối (còn gọi là mứt chuối)
Đây là loại kẹo được chế biến từ chuối xiêm chín, ra đời hàng ngàn năm nay. Kẹo chuối là loại kẹo thường dùng để đãi khách trong dịp Tết Nguyên đán. Gần Tết, sau khi đốn một vài buồng chuối ngon, dùng dao cắt thành từng nãi chuối, xong đem phơi nắng vừa cho ráo mủ, vừa cho chuối ấm, khi đem vú, chuối sẽ mau chín. Chuối chín sẽ được xay thành bột mịn. Cho nước đường, bột chuối và nước cốt dừa vào chảo, dùng mô-tơ quấy đều lên đến khi kẹo lại rồi cho đậu phộng vào.
Khi mứt đã nguội, dùng thớt và dao cắt mứt thành nhiều cây theo qui cách. Mứt xắt theo chiều kéo xuống hoặc đẩy lên. Mỗi bịnh kẹo chuối bán hiện nay là 33 cục đối với loại có nước cốt dừa và 44 cục đối với loại kẹo không có nước cốt dừa.
Chuối xiêm xào nước cốt dừa
Món chuối xào thường được làm ăn chơi trong các buổi trưa hè rỗi rãnh buồn miệng. Trước đây hàng quán không nhiều các gia đình ở nông thôn Bến Tre sẵn có chuối nên hay chế biến ra món chuối xào để thay thế cho các món ăn vặt.
Chuối xiêm sau khi ủ chín, luộc lên, lột vỏ và xắt lát mỏng theo sở thích. Cho bột mì tinh vào nước cốt dừa, dùng muỗng trộn đều, kế đó cho thêm muối và đường. Hòa bột xong cho vào chảo nấu sệt lại, cho một lượt chuối đã xắt vào. Tiếp tục xào đến khi chuối nóng thì được, thêm chút hành lá cho có hương vị và cuối cùng khi đem ra ăn ta mới rắc đậu phộng lên trên. Có thể xào chung chuối với khoai lang để tăng thêm màu sắc hấp dẫn cũng như tạo ra nhiều vị lạ cho món ăn.
Kẹo chuối thường được xắt thành khoanh tròn hoặc hình vuông nhỏ.
Chuối chưng
Đây vừa là món ăn chơi cũng vừa là món tráng miệng trong những bữa tiệc đạm bạc ở nhà quê. Chuối xiêm chín luộc cùng nước dão (nước vắt thứ hai, thứ ba của dừa khô) và đường, sau đó cho bột khoai, bột bán vào nấu cho chín hẳn. Cuối cùng là cho thêm nước cốt và bột mì tinh, tới khi thấy nồi chuối sệt lại là đã đạt yêu cầu. Khi đãi khách, chủ nhà thường múc ra chén và rắc thêm đậu phộng lên. Món này thoạt nhìn có vẻ giống chè chuối nhưng nó ít nước cốt hơn nên ăn sẽ không có cảm giác ngấy và no.
Canh chuối
Được dùng trong các bữa cơm gia đình, ăn kèm với nhiều món kho mặn như tép kho, cá bống kho tiêu... Chuối nấu canh phải là loại chuối xiêm chín thật muồi, muồi đến nỗi nâng nải chuối lên là từng trái rớt xuống. Chuối cắt khoanh nấu với nước dão dừa cho chín, sau đó mới chế nước cốt đặc lên. Thêm muối, bột ngọt, hành lá... nêm nếp gia vị cho vừa ăn rồi múc ra tô. Vì đặc trưng của món này là làm canh chan cùng với cơm, nên phần nước dùng sẽ rất nhiều để dung hòa hương vị, tránh trường hợp nước cốt gây cảm giác béo ngậy, ngọt hắc.
Bánh chuối béo có phần nước cốt dừa ăn kèm.
Bánh chuối
Bánh chuối có nhiều cách chế biến, nhưng đơn giản nhất có hai cách: cách làm bánh chuối béo và cách làm bánh chuối nước cốt dừa. Bánh béo là bánh khi pha chế bột chuối, nước cốt dừa được trộn đều trong bột. Ngược lại bánh chuối nước cốt dừa bột chuối và nước cốt dừa tách riêng. Khi ăn, chấm bánh vào nước cốt ăn mới đúng điệu.
Khi làm bánh chuối thì chuối chín sẽ xay nhuyễn ra trộn đều với hỗn hợp bột gồm bột gạo ba phần, bột mì tinh một phần, nước cốt dừa béo. Sau đó đem hấp cách thủy trong xoong lớn. Bánh chín, để nguội mang ra cắt từng miếng như chã giò.