Các đòn trả đũa giữa Nga và EU sẽ đem lại gì?

08/08/2014 23:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nga mới đây đã ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng rau củ, thịt, cá, sữa và các sản phẩm làm từ sữa có nguồn gốc từ Mỹ, EU, Australia, Canada và Na Uy.

Các đòn trả đũa giữa Nga và EU sẽ đem lại gì?

Lệnh cấm nhập khẩu hoa quả và gia cầm từ EU và Mỹ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến thị trường nông sản thực phẩm ở Nga.

Trước thực tế này, mạng tin "Điện tín" cho rằng chiến tranh thương mại luôn để lại những hậu quả hết sức khốc liệt, và cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bên sẽ bị ảnh hưởng, song kết quả đạt được lại chẳng mấy ý nghĩa.

Ngày 8/8, các chuyên gia công nghiệp cho rằng lệnh cấm vận của Nga đối với thực phẩm có nguồn gốc từ EU sẽ làm cho ngành xuất khẩu của khối này thiệt hại 10% và gây ra một cuộc khủng hoảng thừa tại châu Âu. Lệnh cấm này sẽ tác động trực tiếp đến nguồn thực phẩm tươi sống đổ vào Nga, đồng thời tạo ra không ít thách thức đối với nhiều nhà xuất khẩu EU, buộc họ phải tìm kiếm đầu ra mới và đối mặt với nguy cơ để mất các thị trường vào tay đối thủ ở các nước đang nổi. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll cho biết các Bộ trưởng EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị trong tuần tới để "đánh giá" về những hệ quả có thể xảy ra của các lệnh trừng phạt này. Trong khi đó, Đại sứ EU tại Nga Vygaudas Usackas cho biết EU đang cân nhắc đệ trình Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh cấm nhập khẩu mà Nga vừa công bố.

Theo các số liệu chính thức của EU, Nga nhập khẩu khoảng 35% lương thực thực phẩm và 10% trong số này - tương đương 16 tỷ USD - là từ các nước thành viên EU. Trong số 18 nước EU, Đức và Hà Lan là hai nhà cung cấp lớn nhất của Nga. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu Mỹ-Nga đạt 1,2 tỷ USD, tương đương 1% tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của nước này. Lệnh cấm vận của Nga sẽ chủ yếu tác động vào lĩnh vực xuất khẩu thịt gia cầm (kim ngạch năm 2013 ước tính 310 triệu USD), quả hạch, các mặt hàng từ đậu nành và động vật sống, phần lớn là gia súc.

Chủ tịch Liên hiệp Nông dân Pháp FNSEA Xavier Beulin nói: "Nga xuất khẩu gạo song lại là nhà nhập khẩu lớn các mặt hàng như hoa quả, rau củ, các thực phẩm chế biến như thịt và sữa tươi". Giới chuyên gia cho rằng với lệnh cấm vận mà Nga vừa tuyên bố, rau củ sẽ là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất bởi mỗi năm Nga nhập khẩu số rau củ trị giá khoảng 770 triệu euro từ EU. Thông thường, Nga cũng nhập khẩu khối lượng lớn táo, cà chua và đào từ EU, và thị trường châu Âu năm nay có nguồn cung khá dồi dào các loại mặt hàng này do sản lượng tăng. Ông Beulin nói: "Các sản phẩm không được xuất khẩu (vào Nga do lệnh cấm vận) sẽ bị ùn ứ tại châu Âu và gây ra một cuộc khủng hoảng".

Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò Pháp cho biết khối lượng thịt bò mà EU tiêu thụ được trong năm 2013 đã giảm một nửa so với năm 2011, chủ yếu là do các vấn đề sức khỏe. Hiện với lệnh cấm vận mà Nga công bố, ngành sản xuất và xuất khẩu thịt bò tại Bỉ, Hà Lan và Đức sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Trong khi đó, theo giới quan sát, Đan Mạch và Hà Lan sẽ là hai nước chứng kiến nhiều thiệt hại đối với lĩnh vực sản xuất bơ sữa. Trước đó, ngày 29/1, Nga cũng đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU do lo ngại các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Neil Shearing - phụ trách khối các thị trường đang nổi tại trung tâm Kinh tế Tư bản ở London - cho rằng tác động từ quyết định này của Nga rất khó lường. Mặc dù một số quốc gia, như Lítva, có thể sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại, song ngành xuất khẩu của toàn EU sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Bà nhấn mạnh: "Nhiều khả năng Nga mới là nước mất nhiều nhất trong canh bạc này".

Trong một bài bình luận được "Điện tín" đăng tải, nhà phân tích Allister Heath cho rằng người tiêu dùng Nga sẽ là các đối tượng đầu tiên chịu tác động trực tiếp của lệnh cấm vận. Họ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn để mua được các sản phẩm nội địa mà trước đây họ chẳng mấy khi lựa chọn, bởi giá các sản phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều nhờ vào các thỏa thuận tự do thương mại. Cùng với đó, người nông dân châu Âu và các doanh nghiệp thực phẩm sẽ gánh chịu thiệt hại và mất đi những khoản thu nhập quan trọng. Nhiều người sẽ mất việc làm. Ông Heath đặt câu hỏi rằng lệnh cấm vận qua lại giữa hai bên sẽ đem lại những kết quả gì, và sẽ thay đổi được gì? Rõ ràng, chúng không thể ngăn quân đội Nga triển khai dọc biên giới với Ukraine, và cũng không thể chấm dứt làn sóng tị nạn của người dân khỏi vùng chiến sự phía Đông Nam Ukraine.

Heath cho rằng cuộc trả đũa giữa Nga và EU sẽ bần cùng hóa thế giới thay vì làm cho nó tốt đẹp hơn. Cuộc chiến này sẽ hủy hoại các trật tự tự do, hủy hoại công cuộc toàn cầu hóa, đe dọa nền kinh tế thế giới và gia tăng nguy cơ xung đột sâu sắc. Giáo sư Tyler Cowen tại Đại học George Mason đặt câu hỏi rằng liệu khi công bố quyết định cấm vận EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh với người dân rằng họ nên bắt đầu chuẩn bị tâm lý bị cô lập hay chưa?

Tuy nhiên, không phải tất cả đều bi quan về các lệnh trừng phạt mới của Nga. Một số nhà phân tích nhận định rằng lệnh cấm của Nga đối với các sản phẩm của phương Tây đang đem lại cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu thịt và gạo từ cường quốc nông nghiệp Brazil cũng như các nước Mỹ Latinh khác. Barbier cho rằng các nhà sản xuất châu Âu hiện đứng trước nguy cơ bị các đối thủ ở châu Á và Mỹ Latinh cạnh tranh và chiếm lấy các thị trường tại Nga mà các ngành công nghiệp EU đã rất vất vả giành được.

Chính phủ Nga đã có cuộc gặp với nhiều Đại sứ các nước Mỹ Latinh vào ngày 6/8 để bàn về triển vọng tìm kiếm các nhà cung cấp thực phẩm thay thế sau khi Nga áp đặt lệnh cấm vận đối với phương Tây. Rõ ràng, với tư cách là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như thịt bò, thịt gà, đậu nành, và là một trong số ít các quốc gia có diện tích đất nông nghiệp dồi dào, Brazil là nước "hưởng lợi" nhiều nhất từ lệnh cấm vận này. Không chỉ vậy, các quốc gia khác như Argentina và Chile cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội thương mại.ư

TTK

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đòn trả đũa giữa Nga và EU sẽ đem lại gì?