Các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam

Ngọc Mai| 07/12/2021 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ VHTTDL yêu cầu nội dung trên khi làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, ngày 6/12/2021, trên một số nền tảng số trái quy định pháp luật.

cac-to-chuc-ca-nhan-khong-duoc-co-hanh-vi-ngan-can-pho-bien-quoc-ca-viet-nam.jpg
Thông báo tắt tiếng Quốc ca trên YouTube ngày 6/12. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó vào 19 giờ 30 phút ngày 6/12, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam-Lào ở bảng B, AFF Cup 2020 đã diễn ra trên sân vận động Bishan (Singapore).

Khi các cầu thủ bắt đầu ra sân hát Quốc ca, hàng triệu khán giả theo dõi trên nền tảng YouTube đã rất bất ngờ khi màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm."

Đây là sự cố hy hữu khi khán giả không được nghe Quốc ca trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát “Tiến quân ca.” Ca khúc chỉ bị tắt tiếng trên nền tảng YouTube.

Sáng nay (7/12), Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố trên. Về việc này Bộ VHTTDL có ý kiến chính thức như sau:

Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Trên tờ vietnamplus.vn, bày tỏ sự bức xúc trước sự cố Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 , nhạc sỹ Giáng Son cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xử lý việc này ngay lập tức.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có rất nhiều nhạc sỹ, nhà hát, đơn vị nghệ thuật trực thuộc. Bộ hoàn toàn có đủ khả năng và nguồn lực để thu âm một bản Quốc ca thật hay và miễn phí dành cho toàn dân sử dụng, thưởng thức mà không phải lo ngại vi phạm bản quyền. Quốc ca vốn thuộc về nhân dân Việt Nam và hiện đang do Bộ quản lý,” nhạc sỹ Giáng Son cho biết.

Phân tích vấn đề xung quanh sự cố, nhạc sỹ Giáng Son cho rằng trường hợp một hãng đĩa nước ngoài thực hiện bản ghi âm Quốc ca thì phải có sự cho phép bằng văn bản của Nhà nước Việt Nam với những điều khoản thỏa thuận rõ ràng về quyền liên quan.

Mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa đựng 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi (Sound Recording) liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; Quyền tác giả (Musical Composition) liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sỹ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.

“Ở trong nước thì Hồ Gươm Audio sản xuất và sở hữu một bản ghi Quốc ca, ở nước ngoài thì có một hãng đĩa nào đó. Lẽ nào gần 100 triệu người dân Việt Nam lại không có một bản Quốc ca cho riêng mình? Tôi thấy đau lòng khi giai điệu hào hùng của đất nước lại bị tắt đi vì lý do bản quyền,” nhạc sỹ Giáng Son chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam