Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Nhóm PV| 13/10/2018 09:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một loạt các cuộc gặp song phương, các buổi tiếp của Thủ tướng đã diễn ra bên lề chương trình tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) và thăm làm việc tại Indonesia.

Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc IMF

Chiều 12/10, tại Bali, Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde.

Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm 2018, đặc biệt là việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 7%, xuất siêu cao trong 9 tháng đầu năm 2018. Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, củng cố tài khóa, kiểm soát nợ công, điều hành tài chính-tiền tệ thận trọng, linh hoạt, nâng cao hiệu quả đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tham gia CMCN 4.0…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao IMF đã ủng hộ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, tích cực hỗ trợ đào tạo và tư vấn cho Việt Nam  ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng hoan nghênh IMF đánh giá tích cực tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam; đề nghị IMF tiếp tục tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn chính sách cho Việt Nam về thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện lĩnh vực tài chính-CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính…

Bà Tổng Giám đốc IMF đánh giá rất cao bài tham luận của Thủ tướng tại Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN với nhiều đề xuất, sáng kiến cụ thể, thiết thực; chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, kiểm soát nợ công và củng cố tài khóa, điều hành tỷ giá linh hoạt, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Bà Christine Lagarde khẳng định IMF tiếp tục hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Bà Christine Lagarde đánh giá cao và cảm ơn Việt Nam đã đóng góp cho Quỹ tín thác của IMF về ngăn chặn và cứu trợ thảm họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Philippines

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN (ALG) và Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF - WB) tại Bali, Indonesia.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Duterte khẳng định Philippines luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết, cảm ơn Việt Nam đã xuất khẩu gạo, góp phần bảo đảm lương thực của Philippines. Philippines coi trọng và luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước; đề nghị hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao.

Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Tổng thống đã gửi thư chia buồn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thủ tướng đánh giá cao Phó Chủ tịch Đảng PDP - Laban cầm quyền của Philippines vừa sang thăm và ký văn kiện thiết lập quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam (26-28/8/2018), tin rằng hợp tác giữa hai nước qua kênh Đảng sẽ góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau, tạo cơ hội trao đổi thiết thực về những vấn đề chiến lược của hai bên.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác quan trọng bao gồm: Quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục, hợp tác biển, năng lượng... Hai bên nhất trí sớm hoàn thiện Chương trình Hành động Việt Nam - Philippines giai đoạn 2018 - 2023 nhằm tạo cơ sở thuận lợi thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới; đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước, nhất là Ủy ban Hợp tác song phương và Ủy ban Hỗn hợp về vấn đề biển và đại dương. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước đánh bắt cá hợp pháp, an toàn và bền vững.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS). Hai bên tái khẳng định ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.

Tiếp Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại IndonesiaRosan Perkasa Roeslani

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Indonesia có những bước phát triển đáng mừng. Indonesia là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam với hơn 70 dự án đầu tư, trị giá hơn 500 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD.

Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hợp tác thương mại, đầu tư còn khiêm tốn với tiềm năng quan hệ hai nước. Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước nói chung và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước nói riêng.

Thủ tướng mong muốn Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia thiết lập hợp tác chặt chẽ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia đề xuất với Chính phủ Indonesia các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ trong quá trình thẩm định các văn bản về chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, kiểm dịch động thực vật.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, ông Rosan Perkasa Roeslani cho rằng, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn chưa xứng tầm, cần cải thiện hơn nữa. Ông nhìn nhận, Việt Nam rất thành công khi mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài, đây là bài học kinh nghiệm tốt cho Indonesia. Bản thân ông đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực khách sạn, du lịch và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này.

Thủ tướng cho rằng Việt Nam – Indonesia là hai nước đông dân, chỉ cần 0,5% dân số đi du lịch sang nhau thì con số đã rất lớn. Hai bên cần mở thêm các chuyến bay thẳng đến các điểm du lịch của nhau để tăng cường kết nối. Thủ tướng cũng mong muốn ông Rosan Perkasa Roeslani, với nhiều kinh nghiệm trong điều hành khách sạn, tổ chức các cuộc xúc tiến chuyên đề về du lịch, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ.

Tiếp Chủ tịch Công ty Nikko Sekuritas

Tại buổi tiếp ông Harianto Solichin, Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas Indonesia, một trong những quỹ đầu tư chứng khoán và tài chính lớn nhất Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao uy tín, thành tựu phát triển của công ty Nikko Indonesia; đồng thời, hoan nghênh Công ty Nikko ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Licogi 16 để xây dựng dự án đường cao tốc tại Jakarta trị giá 200 triệu USD.

“Đây là một trong những dự án xây dựng đầu tiên mà Việt Nam phối hợp thực hiện tại Indonesia, có ý nghĩa quan trọng, mở đường cho hợp tác hơn nữa giữa hai nước về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các lĩnh vực tiềm năng khác,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các bên tiếp tục phát huy, mở rộng ra các dự án khác, cả ở Indonesia và Việt Nam.

Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Thủ tướng cũng mong muốn Công ty Nikko, với kinh nghiệm, mạng lưới toàn cầu và tiềm lực tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Indonesia và các tập đoàn hàng đầu khu vực, quốc tế đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng như: Sân bay, cảng biển... theo mô hình, tiên tiến của các nước trong khu vực.

Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas Indonesia, ông Harianto Solichin bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hòn đảo Bali xinh đẹp; bày tỏ những ấn tượng mạnh mẽ trước những thành tựu trong phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua và cho rằng kết quả này có được là nhờ sự đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, điều hành của Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thông tin đến Thủ tướng về các hoạt động kinh doanh của Nikko, ông Harianto Solichin cho biết, Nikko đã đầu tư ở Việt Nam nhiều năm qua trong các lĩnh vực chứng khoán và cũng có dự án đầu tư tại Đà Nẵng.

Ông Harianto Solichin đánh giá cao năng lực và uy tín của Licogi 16 và cho biết đã hợp tác với Licogi 16 để triển khai các dự án về xây dựng hạ tầng như đường cao tốc, khu văn phòng tại Indonesia. Cùng với đó, Nikko cũng sẽ thông qua Licogi 16 để đầu tư vào một dự án năng lượng tái tạo, sản xuất điện mặt trời ở Việt Nam.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Công ty PT Nikko Sekuritas Indonesia ông Harianto Solichin bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Thủ tướng và các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp, trao đổi về mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, Nikko và Licogi 16 cũng sẽ trở thành những đối tác chiến lược, tin cậy và hiệu quả của nhau.

Đánh giá Licogi 16 là doanh nghiệp xây dựng có uy tín, có năng lực thi công những công trình hiện đaị, phức tạp, đòi hòi trình độ kỹ thuật cao, Thủ tướng đề nghị, bên cạnh hợp tác đầu tư tại Indonesia, Licogi 16 và Nikko cần đẩy mạnh hợp tác tại Việt Nam với nhiều hình thức đầu tư đa dạng, nhất là đối tác công-tư (PPP).

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nikko đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata

Bày tỏ vui mừng gặp ông Chủ tịch Tập đoàn Ciputra Budiarsa Sastrawinata đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn đã và đang triển khai nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có khu đô thị Ciputra Hà Nội được hình thành rất sớm, một mô hình mẫu đô thị vào thời điểm đó.

Thủ tướng nhấn mạnh sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước Việt Nam-Indonesia đang phát triển tốt đẹp, nhất là sau 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Chủ tịch Tập đoàn Ciputra cho biết Tập đoàn đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như khai khoáng, chế tạo, khách sạn... Ciputra đã phối hợp tốt với các đối tác của Việt Nam, trong đó có Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Indonesia, nhất là vào dịp có lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Indonesia và lãnh đạo Indonesia thăm Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước. Thời gian tới Tập đoàn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp, xây dựng khu Ciputra Nam Thăng Long tại Hà Nội.

Chủ tịch Tập đoàn Ciputra mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam trong quá trình hoạt động, nhất là trong quá trình hợp tác với các đối tác của Việt Nam, trong đó có Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia.

Ông Budiarsa Sastrawinata cũng cho biết Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia thành lập từ năm 2015 và đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cụ thể để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia.

Hoan nghênh Tập đoàn Ciputra mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua Tập đoàn đã có nhiều thành công trong quá trình đầu tư ở Việt Nam, với cách thức quản trị kinh doanh bài bản, quy mô và chất lượng. Chính phủ Việt Nam luôn thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có Ciputra.

Thủ tướng đánh giá cao Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhân dịp lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Indonesia và lãnh đạo Indonesia thăm Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn với uy tín, năng lực, kinh nghiệm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia -Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Hữu nghị Việt Nam- Indonesia, góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam- Indonesia ngày càng phát triển bền vững, năng động và hiệu quả hơn.

Sáng 12/10 tại Bali, Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN tham dự phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)- Ngân hàng Thế giới (WB).

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu khai mạc Hội nghị; tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 189 nước thành viên IMF và WB, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đông đảo các tập đoành, các tổ chức xã hội, giới nghiên cứu và truyền thống quốc tế.

Với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm trong tương lai”, Hội nghị thường niên IM-WB thảo luận nhiều vấn để lên trong kinh tế toàn cầu như tác động của chiến tranh thương mại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực, phối hợp chính sách tài chính- tiền tệ, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đến tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, việc làm, công bằng và tiến bộ xã hội…

Tại Hội nghị, IMF đã công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới năm 2018, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018-2019 là 3,7% do tăng trưởng chậm lại ở một số nền kinh tế chủ chốt dưới tác động của của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang, giá dầu tăng… Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên IMF-WB, Tổng Giám đốc IMF và Chủ tịch WB nhấn mạnh các nước cần nâng cao năng lực tự cường, sức kháng chịu của nền kinh tế, thúc đẩy cải cách cơ cấu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường hợp tác toàn cầu, giảm mất cân đối toàn cầu, nỗ lực tranh thủ CMCN 4.0 phục vụ phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các buổi tiếp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến công tác Indonesia