Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, cơ quan liên quan chuẩn bị hội nghị về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng báo cáo tổng hợp về các giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong công tác tổ chức hội nghị.
Lĩnh vực logistics của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp
Bộ Công Thương xây dựng báo cáo về giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo về các giải pháp tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics.
Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về các giải pháp giảm chi phí logistics liên quan đến thủ tục hải quan, các giải pháp liên quan đến các quy định về thuế để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp vận tải.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng báo cáo về các giải pháp liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Các báo cáo trên phải gửi Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp trước ngày 5/4/2018.
Hội nghị nhằm nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics đồng thời bàn các giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Trước đó, ngày 14/2/2017, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây được coi là bước đột phá mới đối với lĩnh vực logistics của Việt Nam, một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Kế hoạch hành động được cho rằng sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch đã được phê duyệt là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.