Cá nhân có được pháp luật bảo vệ hình ảnh trên mạng xã hội?

Luật gia Thu Phương (Công ty luật Interla)| 17/02/2021 16:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Hỏi: Cháu và bạn cùng phòng có xích mích rồi cãi nhau. Vì không ở được với nhau nữa, cháu đã dọn ra chỗ khác ở rồi sau đó phát hiện ra người bạn đó đã đăng ảnh cá nhân của cháu trên facebook và bịa chuyện nói xấu cháu. Mặc dù đã nhiều lần cháu nhắn tin đề nghị gỡ bài đăng đi, nhưng người bạn đó có thái độ không hợp tác và còn thách thức cháu. Vậy cho cháu hỏi: Hành vi của bạn ấy có vi phạm pháp luật không? Cháu có được pháp luật bảo vệ về hình ảnh của mình không?

Mai Thị Thúy, Hưng Yên

Trả lời:

Thứ nhất, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi sử dụng hình ảnh người khác không có sự đồng ý đã vi phạm quyền hình ảnh được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015.

Thứ hai, về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

xu-phat-doi-voi-hanh-vi-xuc-pham-danh-du-nhan-pham-nguoi-khac-.jpg

Không chỉ sử dụng hình ảnh không có sự đồng ý mà còn sử dụng hình ảnh đó cùng với việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn là vi phạm pháp luật cụ thể tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015.

Thứ ba, về chế tài xử lý

Một là, trách nhiệm hành chính:

Căn cứ theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi đăng tải hình ảnh của người khác trên mạng xã hội kèm theo những lời lẽ xúc phạm nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo như sau:

“Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

Hai là, trách nhiệm dân sự:

Nếu bạn có đủ các bằng chứng về việc bạn của bạn có hành vi sử dụng hình ảnh của bạn trên internet nhằm xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn thì bạn có thể yêu cầu người đó bồi thường thiệt hại cho bạn căn cứ theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 và được hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được về mức bồi thường thì bạn có thể gửi đơn lên Tòa để yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Tòa án thì bạn cần chuẩn bị những tài liệu, những bằng chứng chứng minh quyền và lợi ích của bạn đang bị xâm phạm và cần xác minh rõ đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm trên.

Ba là, trách nhiệm hình sự:

Ngoài ra, trường hợp dùng mạng xã hội để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị truy cứu TNHS về tội “Vu khống” theo Điều 156 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá nhân có được pháp luật bảo vệ hình ảnh trên mạng xã hội?