“Cả nhà làm quan” và Luật Hồi tỵ

Trung Nguyễn| 18/04/2017 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày gần đây, câu chuyện “cả nhà làm quan” ở Hải Dương đang là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Theo thông tin trên báo chí, người nhà của Bí thư và Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành, Hải Dương giữ nhiều vị trí quan trọng trong khối Đảng và chính quyền của huyện. Trong đó, có trường hợp anh làm Bí thư huyện ủy, em làm Phó Chủ tịch UBND huyện, em rể làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy…

Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành Lê Ngọc Sang đã giải thích về quá trình thăng tiến của bản thân ông cũng như của người nhà và Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tiến. Theo đó, những người “cùng một nhà” đều phải học hành phấn đấu, có năng lực thực sự chứ không phải dựa vào quan hệ thân thích mà thăng tiến. Có ý kiến đồng tình cho rằng chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” là bình thường. Một người sinh ra trong gia đình có truyền thống, có điều kiện để học hành phấn đấu, trưởng thành thì có gì phải băn khoăn (?)

Tất nhiên, các ý kiến trên không phải là không có lý, bởi cho đến nay cũng chưa có luật nào cấm người nhà cùng làm cán bộ ở một nơi. Quả thật, chưa thể dựa vào chuyện “cả nhà làm quan” mà kết luận đúng sai được. Muốn kết luận thì phải nghe báo cáo giải trình, rồi xác minh xem có vi phạm trong bổ nhiệm hay không.

Tuy nhiên, về mặt dư luận xã hội thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở “quy trình” bổ nhiệm. Ai cũng biết, nếu như những người thân thích cùng giữ những vị trí quan trọng trong một cơ quan, một địa phương thì tính khách quan, tính độc lập trong thực thi công vụ sẽ bị giảm sút, thậm chí có thể dẫn tới vi phạm pháp luật do sự nể nang, do những mối quan hệ ràng buộc...

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng đã nói: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”. Tháng 2/2017, Bộ Nội vụ đã cung cấp thông tin cụ thể về 9 địa phương có hiện tượng bổ nhiệm người nhà có quan hệ họ hàng ruột thịt gồm 58 người.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn.

Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Tuy nhiên, quy định này chỉ điều chỉnh trong phạm vi một cơ quan, tổ chức chứ chưa bao quát được phạm vi rộng hơn là cả một địa phương.

Từ thời phong kiến, cha ông ta đã có Luật Hồi tỵ, quy định chặt chẽ để ngăn cấm "cả họ làm quan" ở một địa phương. Nguyên tắc trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần có một quy định tương tự trong Luật Phòng, chống tham nhũnng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cả nhà làm quan” và Luật Hồi tỵ